Vào giữa những năm 1990, Chính phủ Trung Quốc áp dụng luật ngân sách để kiềm chế nợ chính quyền địa phương.
Các địa phương đã tạo ra các LGFV để làm giải pháp thay thế.
Sau đó, hàng nghìn công ty nửa công, nửa tư này đã trở thành nền tảng, động lực quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc thời gian qua.
Những công ty LGFV đã liên tục phát hành trái phiếu, tiền để trả trái phiếu lại thường từ việc bán đất của các thành phố.
Điều đáng nói, theo công ty nghiên cứu Enodo Economics, trong một đợt đấu giá đất năm nay ở 22 thành phố lớn nhất của Trung Quốc, giá trúng thầu chỉ cao hơn 4,7% so với giá khởi điểm mà chính quyền đưa ra. Đây là con số rất thấp so với mức 16,7% hồi đầu năm.
Có những thành phố đấu giá các lô đất công nhưng không tìm được chủ, do có rất ít người đến mua.
Sau đó, các công ty LGFV đã bị các hãng xếp hạng tín nhiệm hạ bậc, do lo ngại chính quyền sẽ gặp khó trong việc trả nợ.
Đây là tin xấu đối với các chính quyền địa phương của Trung Quốc, vốn dựa phần lớn vào việc bán đất để có nguồn thu. Và đây cũng là dấu hiệu đáng lo ngại đối với những người nắm giữ trái phiếu được phát hành bởi các công ty LGFV.
Theo Goldman Sachs, LGFV cũng đang trở thành một trong những loại nợ lớn nhất của Trung Quốc, tạo nên khoảng 53.000 tỷ nhân dân tệ (8.300 tỷ USD, bằng 52% GDP) nợ trong và ngoài nước.
Điều lạ là những khoản vay này không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán công khai, mà trở thành khoản nợ ngầm, có nguy cơ đẩy hệ thống tài chính vào tình trạng hỗn loạn.
Theo quan sát của các bên, chưa có LGFV nào bị vỡ nợ trái phiếu, nhưng họ tin rằng đó chỉ là vấn đề thời gian.
Theo Ngân hàng Nomura tính toán, các LGFV sẽ phải hoàn trả 32,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài vào năm 2022, tăng từ 26,9 tỷ USD năm 2021.
Nhiều chính quyền địa phương của đất nước tỷ dân dường như đang chuẩn bị tâm thế cho một cơn bão tài chính.
Hồi tháng 6, tổng giá trị các trái phiếu của LGFV trong nước là 11.900 tỷ nhân dân tệ, bằng một phần mười thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc đã phải sử dụng các biện pháp để thay đổi tình hình nhưng có lẽ cũng không đem lại nhiều hiệu quả.
Cụ thể, thành phố Liễu Châu đã sử dụng khoảng 20 tỷ nhân dân tệ trong quỹ công để bù đắp phần vốn thiếu hụt tại Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Dongtong. Do LGFV này đã bị Fitch hạ xếp hạng vào tháng 8.
Hay như một LGFV ở thành phố Trùng Khánh đã vỡ nợ hồi tháng 3. Quảng Tây cũng đã có công ty con của một LGFV bị phá sản. Đến mức chính quyền Giang Tô và Vân Nam đã ban hành hướng dẫn kêu gọi các LGFV đang gặp khó phải tuân thủ quy trình phá sản chính thức thay vì giấu nợ.
Tiếp đến, trong một thông tư nội bộ do cơ quan quản lý ngân hàng ban hành vào tháng 7 – văn bản số 15 đã yêu cầu tổ chức cho vay giảm khả năng tiếp cận vốn lưu động đối với một số LGFV.
Theo các chuyên gia phân tích, nếu được duy trì, điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tiền mặt đối với các LGFV. Nó giống như việc siết chặt nguồn vốn với Evergrande.
Tuy nhiên, để các công ty LGFV sụp đổ, có lẽ chính quyền trung ương Trung Quốc chưa sẵn sàng vượt qua.
Vì giới chức vẫn không kiên quyết chấm dứt hỗ trợ ngầm cho các công ty này, nhiều công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc vẫn coi chúng là an toàn. Do đó, các quỹ vẫn rót tiền vào và vẫn coi đó là nơi trú ẩn.
Liệu đây có phải là bài học cho Việt Nam?