Kịch bản Evergrande vỡ nợ ảnh hưởng thế nào tới các thị trường?

China Evergrande - tập đoàn mắc nợ nhiều nhất của Trung Quốc mới đây đã phải thừa nhận rằng họ có thể vỡ nợ đối với một số khoản vay của mình.
Kịch bản Evergrande vỡ nợ ảnh hưởng thế nào tới các thị trường? ảnh 1Chỉ riêng trong tuần này, Evergrande đã phải chịu 2 lần hạ bậc xếp hạng tín nhiệm. Ảnh: Nikkei Asia

Từng có thời điểm, nhà phát triển bất động sản này dường như không thiếu các lựa chọn dự phòng trong trường hợp khủng hoảng thanh khoản. Song những gì xảy ra gần đây đã làm suy yếu những niềm tin đó.
Thời gian cho Evergrande tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tín dụng không còn nhiều. Chỉ riêng trong tuần này, Evergrande đã phải chịu 2 lần hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, khiến cổ phiếu và trái phiếu của họ đồng loạt lao dốc thảm hại.
Câu chuyện buồn của “đại gia” một thuở
Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc. Họ có dự án đầu tư tại hàng trăm thành phố, chuyên phát triển các khu chung cư quy mô lớn mọc lên khắp Trung Quốc trong 25 năm qua.
Trong giai đoạn bình thường, một cuộc khủng hoảng thanh khoản sẽ không nghiêm trọng như vậy. Các ngân hàng địa phương và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác, chẳng hạn như các công ty ủy thác, có thể hỗ trợ Evergrande vượt qua tình trạng thiếu tiền mặt một cách nhanh chóng.

Tập đoàn cũng có thể bán bớt tài sản và các công ty con. Khoản nợ khổng lồ của Evergrande có thể được coi là “quá lớn để sụp đổ”, khiến khả năng về một gói cứu trợ từ chính phủ không nằm ngoài tầm với.
Tuy nhiên, những rắc rối của Evergrande đã đến vào thời điểm tồi tệ nhất có thể. Những quy định mới về lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc hạn chế các ngân hàng tạo các khoản cho vay mới đối với những chủ đầu tư mắc nợ. Trong khi đó, các công ty ủy thác, vốn chiếm khoảng 40% các khoản cho vay, đang tỏ ra lo ngại về hoạt động của mình. Evergrande lại có khoản vay ủy thác trị giá 1,7 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong quý hiện tại.
Thị trường nhà ở “hạ nhiệt” tăng trưởng đã khiến việc thanh lý tài sản trở nên khó khăn hơn. Doanh số theo hợp đồng của Evergrande đã giảm hơn 25% trong tháng Tám và việc giảm giá bán đã không thể thúc đẩy nhu cầu của thị trường.
Trong số các tài sản niêm yết của Evergrande, doanh nghiệp phát triển xe điện niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) có giá trị thị trường 10 tỷ USD có thể từng là một phương án dự phòng của họ. Tuy nhiên, Evergrande New Energy Vehicle Group đang thua lỗ và vẫn chưa bán được chiếc xe đầu tiên. Tìm một người mua cho doanh nghiệp này có thể khó khăn hơn việc bán bớt tài sản.
Sự hỗ trợ của chính phủ cũng ngày càng ít khả thi. Một số nhà quan sát nhắc tới gói cứu trợ dành cho Huarong, nhà đầu tư chuyên mua bán các trái phiếu chịu áp lực (được rao bán nhưng thường ở mức giá thấp vì người sở hữu buộc phải bán chúng), như một cơ sở để hy vọng về một động thái tương tự dành cho Evergrande.

Nhưng Huarong thuộc sở hữu nhà nước và là một phần quan trọng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Evergrande không có vai trò như vậy.
Tính đến tháng 12/2020, tổng giá trị các khoản vay của tập đoàn vào khoảng 716 tỷ NDT (111 tỷ USD), với gần một nửa trong số này sẽ đáo hạn trong vòng chưa đầy một năm. Evergrande cũng nợ khoảng 830 tỷ NDT trong hoạt động thương mại cùng những khoản phải trả khác cho các nhà cung cấp. Trong khi đó, tập đoàn đã nhận được khoản thanh toán trước từ hơn 1,5 triệu người mua nhà cho các bất động sản chưa hoàn thiện.
Giữa bối cảnh đó, Fitch hôm 8/9 đã trở thành cơ quan mới nhất hạ xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR của Evergrande, từ CCC+ xuống CC. Thậm chí, cơ quan này lưu ý rằng khả năng xảy ra một vụ vỡ nợ là khả thi.
Trước đó cũng trong tuần này, Moody’s đã hạ xếp hạng của Evergrande lần thứ ba trong những tháng gần đây, lưu ý rằng các chủ nợ có “triển vọng phục hồi yếu” trong trường hợp vỡ nợ.
Kịch bản Evergrande vỡ nợ ảnh hưởng thế nào tới các thị trường ?
Evergrande có một loạt các công ty quốc tế lớn trong danh sách nhà đầu tư của mình, bao gồm các công ty quản lý đầu tư quốc tế như Allianz (Đức), Ashmore (Anh) và BlackRock (Mỹ). Một vụ vỡ nợ có thể sẽ có tác động lan tỏa đến các thị trường toàn cầu, nơi mà nhiều nhà đầu tư trước đây thường dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ ra tay hỗ trợ vào những thời điểm khó khăn.
Evergrande đang cố gắng giải quyết các vấn đề của mình bằng cách bán tài sản. Nhưng bà Iris Chen, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, lập luận rằng việc thanh lý như vậy sẽ gây tổn hại lớn cho các trái chủ ở nước ngoài. Vì số tiền thu được có thể sẽ được sử dụng để trả các khoản nợ đến kỳ trong nước, như chi phí xây dựng và các khoản vay ủy thác.
Ngay cả khi chính quyền trung ương chọn để Evergrande vỡ nợ thay vì bảo lãnh trực tiếp - một động thái khá phù hợp với cách tiếp cận theo định hướng thị trường hơn - các nhà chức trách nhiều khả năng sẽ tham gia phối hợp để duy trì các dự án tại một tập đoàn đang tuyển dụng 163.000 lao động.
Một báo cáo hồi tháng Tám cho biết chính quyền Quảng Đông đang thu thập phản hồi từ các ngân hàng về việc thành lập một ủy ban chủ nợ tiềm năng cho Evergrande. Nhà phát triển bất động này cũng cho biết vào tuần trước rằng, họ đang trao đổi với chính phủ về các dự án bị đình chỉ.
Ngoài thị trường, vấn đề quan trọng nhất đối với Bắc Kinh sẽ là bất kỳ tác động nào từ vụ vỡ nợ của Evergrande đến lĩnh vực bất động sản. Đây vốn là động cơ chính cho nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua - nhưng đang gặp nhiều áp lực do các điều kiện tín dụng bị thắt chặt.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo kịch bản Evergrande vỡ nợ sẽ gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế số hai thế giới, vì tập đoàn này sẽ khiến hàng trăm công ty phải điêu đứng cùng mình.
Các khoản nợ của Evergrande đối với vô số công ty trên khắp Trung Quốc đồng nghĩa là bất kỳ khoản vỡ nợ nào cũng có thể gây “hiệu ứng domino” đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn đã tăng trưởng mạnh bằng nguồn tiền cực rẻ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.
Giới đầu tư lo ngại rằng nếu Evergrande được phép phá sản, nó sẽ có tác động lớn đến các nhà phát triển bất động sản đối thủ, những bên cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường trái phiếu và là đối tượng của chiến dịch giảm đòn bẩy của Bắc Kinh.

Guangzhou R&F mới đây đã bị Moody’s hạ xếp hạng tín dụng do lo ngại rằng công ty sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phát hành nợ để giải quyết các nghĩa vụ nợ cũ, một quy trình được gọi là tái cấp vốn. Theo Moody’s, Guangzhou R&F có các khoản thanh toán nợ vượt quá khoản tiền mặt của họ. Do vậy nếu không thể tái cấp vốn, công ty có nguy cơ vỡ nợ./.

>Tạm ngừng giao dịch trái phiếu tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc

Theo bnews.vn
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top