Mỹ muốn “không để đứt gãy chuỗi cung ứng”
Trong cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam coi kinh tế - thương mại là trụ cột và động lực của quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng dẫn số liệu về kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 62,5 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA). Đồng thời, xem xét khả năng thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại song phương hài hòa, bền vững, cùng có lợi… Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp Mỹ kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cao, tập trung vào các ngành khoa học y tế và sức khỏe, đặc biệt là công nghiệp dược, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch, đổi mới sáng tạo và hợp tác không gian vì mục đích dân sự. Thủ tướng nhấn mạnh về hợp tác phát triển kinh tế không gian, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, phục vụ cho hòa bình, hợp tác và phát triển.
Trong đáp từ của mình, Phó Tổng thống Kamala Harris đánh giá cao nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Bà khẳng định Mỹ “sẽ tiếp tục hỗ trợ thực chất để Việt Nam ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai, duy trì không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu”. Chính vì thế, Mỹ đã công bố tặng thêm 1 triệu liều văcxin Covid-19 của Pfizer cho Việt Nam. Tổng cộng cho tới nay, Mỹ đã tài trợ Việt Nam 6 triệu liều văcxin, trong đó có 5 triệu liều văcxin Moderna được tặng theo cơ chế COVAX.
Đồng thời, Mỹ “sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế - thương mại, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, hợp tác không gian dân sự, y tế, công nghiệp dược”.
Có thể thấy, Phó Tổng thống Mỹ đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp. Đây cũng chính là vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đang lo ngại.
Trong một diễn biến trước đó, UBND TPHCM đã tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố, để tìm cách tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tại cuộc gặp này, Hiệp hội Thương mại Mỹ tiếp tục kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm văcxin. Cho phép doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19 để có thể tăng giờ làm, phục hồi sản xuất. Đồng thời, cho các chuyên gia giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày, nếu đã tiêm đủ liều văcxin.
Giống như thông điệp của Phó Tổng thống Kamala Harris, mong muốn từ các doanh nghiệp Mỹ tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cho thấy có sự lo ngại lớn với khả năng tiếp cận văcxin của họ. Đây là lo ngại cần được giải quyết. Vì thông điệp trước đó của Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần khẳng định khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận nguồn văcxin.
Trong thực tế, một cách không chính thức, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn văcxin, nhưng phải nhập khẩu qua các đầu mối chỉ định và tiêm theo kế hoạch của cơ quan quản lý y tế.
Đó chính là điều khiến doanh nghiệp lo ngại, khi việc tiêm cho công nhân không phụ thuộc vào nỗ lực tìm nguồn văcxin của họ, mà phụ thuộc vào ý kiến cơ quan quản lý.
Mấu chốt vẫn là văcxin
Chung một nỗi niềm với doanh nghiệp Mỹ, Hiệp hội Thương mại châu Âu đề xuất sửa đổi mô hình “3 tại chỗ”; đơn giản hóa các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế. Và đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công Thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19. Hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.
Hiệp hội các doanh nghiệp Đức kiến nghị chỉ áp dụng hình thức "3 tại chỗ" tối đa 4 tuần; yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 7 ngày (khi từ nhà máy về nhà); ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất tiếp tục hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm việc cũng như hoạt động sản xuất; thực hiện lệnh tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn đối với doanh nghiệp có F0.
Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị có chính sách vận tải rõ ràng giữa các sản phẩm nguyên liệu; xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành; miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.
Riêng Hiệp hội doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm Covid-19 và thời gian xét nghiệm giữa TPHCM và tất cả các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.
Đại diện 6 Hiệp hội nước ngoài tham dự hội nghị của UBND TPHCM. |
Không quá khó để hình dung sự khó xử của TPHCM trước các kiến nghị của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp FDI tại thành phố. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, theo dự báo của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 TPHCM có khả năng âm thay vì dương như năm 2020.
Ông Hoan xác nhận, hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm. “Nếu chúng ta không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo UBND TPHCM cam kết sẽ cùng đại diện các doanh nghiệp FDI đưa ra một số giải pháp cụ thể, thiết thực, theo thẩm quyền của TPHCM để "cùng cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng trở mình phục hồi sau đại dịch".
Tuy nhiên, điều khó nói của ông Hoan lại vẫn là câu chuyện văcxin. Trong khi đó thì hiện văcxin đã trở thành lời giải duy nhất khả dĩ cho nỗ lực duy trì sản xuất của doanh nghiệp, cũng tức là khả năng duy nhất để duy trì chuỗi cung ứng, xa hơn là để đảm bảo mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vậy thì đã có bao nhiêu doanh nghiệp FDI tại TPHCM tiếp cận được với nguồn văcxin?