Không quên áo khoác dù ban ngày trời ấm
Những ngày chưa đến mùa đông vẫn phổ biến kiểu thời tiết ngày không lạnh, chiều tối hoặc tối có sương, gió lạnh. Nhiều người chủ quan không mang theo áo khoác.
Cuối ngày, đi làm về sẽ bị lạnh gây cảm cúm. Do đó, bạn đừng quên chuẩn bị cho bản thân và người thân trong gia đình áo khoác nhẹ để đảm bảo cơ thể được giữ ấm dù đi làm về muộn.
Với các gia đình có con nhỏ thì áo khoác nhẹ là đồ dùng không thể thiếu được. Đặc biệt, với trẻ dưới 5 tuổi, người lớn phải mang theo áo khoác hoặc khăn quàng khi đi đón trẻ từ trường mầm non về.
Không ít người lớn là ông bà phụ huynh nghĩ bản thân không lạnh thì cơ thể trẻ cũng chịu đựng được. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Cơ thể trẻ, đặc biệt là hệ hô hấp chưa có sức đề kháng tốt rất dễ nhiễm lạnh.
Từ bỏ thói quen mùa hè
Những ngày thu – đông bất cứ ai cũng cần giữ ấm vùng cổ họng để tránh bị viêm. Vùng cổ họng sẽ bị sưng viêm khi bạn uống nước đá hoặc ăn thực phẩm quá lạnh.
Với những đồ ăn để tủ lạnh, khi mang ra ngoài phải đợi một lúc như hoa quả, thực phẩm…
Tốt nhất bạn tránh xa các đồ giải khát có tính lạnh hoặc có nhiều đá. Nhiều người hiện nay thích uống trà sữa nhiều đá.
Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều đá nhất là tối muộn rất dễ viêm họng dẫn tới sốt cao, cảm cúm. Vì vậy, bạn có thể yêu cầu giảm bớt lượng đá xuống, chỉ ở mức đủ mát mà thôi.
Điều hòa ở văn phòng
Trong mùa hè, điều hòa quá lạnh ở văn phòng đã có thể gây viêm họng, phế quản. Đặc biệt trong mùa lạnh cần phải cẩn thận với điều này.
Dù chỉ mới chớm đông, bạn có thể không dùng điều hòa hoặc để mức nhiệt cao từ 25-27 độ C để thoáng khí.
Nếu không muốn viêm họng khi mùa đông về, bạn có thể tận dụng cửa sổ để tạo độ thoáng cho văn phòng thay vì dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp.
Lưu ý khi tắm
Tắm là việc làm hàng ngày của mỗi người. Nếu như vào mùa hè, bạn có thể tắm sau 9-10h tối thì mùa đông lạnh cần tuyệt đối tránh. Bởi nếu bạn làm như vậy rất xảy ra cảm lạnh, đột quỵ hoặc tê liệt dây thần kinh.
Bạn nên tắm trước 7h tối hoặc khoảng từ 5h chiều đến 7h tối. Ngoài ra, không nên chủ quan tắm bằng nước lạnh mà nên dùng nước ấm hoặc nước có gừng, sả, ngải cứu để làm ấm cơ thể.
Tắm vào sáng sớm cũng cần tránh vào mùa thu đông. Nếu tắm vào thời điểm này kèm cơ thể bị đói sau một đêm dài rất dễ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Dù tắm bằng nước nóng cũng không nên thực hiện vào buổi sáng.
Hoàng Bách (tổng hợp)