Ông tổ Đạt Mạn thiền sư
Ông Bùi Đức Chính, Chủ tịch Mặt trận xã Song Lãng tổng kết: “Vài chục năm trước vùng này có rất nhiều thầy địa lý. Họ đều là những thầy cao tay nhưng trước khi chết đã không truyền lại cho ai nên số lượng đã giảm đáng kể, chỉ còn lại chục người nổi tiếng”.
Chùa Phúc Thắng, cái nôi của các thầy địa lý phái Hoàng Giang.
Theo ông Chính, Vũ Thư có nhiều thầy địa lý như vậy vì ngày xưa, đây là nơi có nhiều gò sông, được các thầy địa lý gọi là đất rồng cuộn hổ ngồi có thể phát vương, phát tướng. Họ quy tụ về đây để “tầm long” và chờ thời, từ đó hình thành nên phái Hoàng Giang. Phái này gắn liền với chùa Phúc Thắng do Đạt Mạn thiền sư đứng đầu. Tại chùa còn giữ được Tịnh Chuỳ và một số thư tịch cổ để chứng minh.
Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng, Hội viên Hội Sử học Việt Nam cho biết: Phái Hoàng Giang thuộc đạo giáo bên Trung Quốc và được truyền sang nước ta từ những thế kỷ đầu sau công nguyên. Theo đó, cụ Đỗ Hoàng sống ở thế kỷ thứ XI, tại trấn Hải Dương, vùng giáp Yên Tử – Quảng Ninh ngày nay vốn là đạo sĩ. Vì muốn con cháu thành danh nên đã truyền dạy đạo pháp cho ba người con trai. Nổi bật trong số đó có Đỗ Đô là người kế nghiệp chân truyền.
Thấy Đỗ Đô tinh thông pháp thuật, vua Lý Thánh Tông đã mời ông tham dự triều chính và sau này phong ông là Đạt Mạn thiền sư. Sách “Văn hoá vùng đất Lạng – Hương Mần” còn ghi lại khá tỉ mỉ về những việc lạ về Đạt Mạn. Thiền sư biết trước ngày vua mất nên khi triều đình chưa kịp sai người đến đón, Đạt Mạn đã lên đến kinh đô để trông nom Thái tử. Cả hai đời vua Thánh Tông và Nhân Tông đều gọi ông là Thượng phụ.
Bùa pháp Hoàng Giang
Ở Vũ Thư, nghề phong thủy địa lý được xem là gia truyền. Những người hành nghề này đều tôn Đạt Mạn thiền sư là “ông tổ” của nghề. Theo đó, họ hành nghề theo những công năng có được mà môn phái Hoàng Giang đã truyền thụ từ xa xưa.
Nhà nghiên cứu Đặng Hùng.
Chẳng biết thực hư công dụng bùa pháp, trấn yểm ra sao nhưng thầy nào cũng khẳng định mình có thể trấn yểm bất cứ thứ gì. Từ xem tướng đất, hóa giải vận mệnh đến bùa yếm, chữa bệnh đều thông thạo. Chúng tôi tìm đến nhà thầy Phạm Văn Tôn ở xã Minh Lãng, người được gọi là thầy địa lý giỏi nhất. Ông Tôn cho rằng, pháp môn được chia thành hai phái, một thiện một ác. Thiện hay ác thì còn lương tâm của thầy địa lý.
Ông Đào Ngọc Thạch hiện đang hành nghề phong thủy ở xã Xuân Hòa thì cho rằng: “Ngày xưa các thầy cạnh tranh nhau nhiều, ai cũng muốn cho thiên hạ biết tài năng của mình nên đua nhau luyện bùa chú và chứng minh năng lực bằng cách làm ra các trò giống như ảo thuật. Thực chất đó là các mẹo phù phép của đạo giáo phái Hoàng Giang”.
Ví dụ như bùa xua đuổi chuột thì lấy cây hoắc hương đốt ở bốn góc ruộng. Trở về nhà lấy một chiếc đũa con, đến chỗ góc ruộng bẻ chiếc đũa làm đôi, xếp hình chữ thập, dùng chân dẫm lên chữ thập đó. Đem hai đoạn đũa này đến góc ruộng khác và làm như vậy, khi làm phải đọc thần chú thì chuột sẽ không dám đến.
Một trong những lá bùa được nói nhiều nhất ở Vũ Thư là phép ẩn hình. Theo đó, khoảng canh ba đêm mùng một tết Nguyên Đán, người luyện lấy một nắm đậu đen, hướng về sao Bắc Đẩu đọc thần chú 49 lần và không quên rèn luyện thêm trong các tháng.
Luyện xong, dùng hạt đậu nấu chín phơi khô, khi gặp nguy nan có thể ngậm hạt đậu vào miệng, đọc thần chú sẽ được thoát nạn vì lúc đó không ai có thể nhìn thấy hình hài của người làm phép nữa.
Ông Bùi Đức Chính, Chủ tịch Mặt trận xã Song Lãng khẳng định: “Về cách làm bùa yểm thì chỉ cần đi theo thầy là được chứng kiến. Còn hiệu quả như thế nào thì không ai biết, chỉ biết rất nhiều người đến thuê các thầy địa lý đi làm gì đó”.
Người được “gửi” pháp thuật
Nhà nghiên cứu sử học Đặng Hùng kể câu chuyện của chính mình cách đây đã hơn 30 năm. Khi đó, ông sang Nam Định công tác và nghe danh một thầy phù thủy đắc đạo ở huyện Giao Thủy. Một lần tình cờ, ông Hùng tìm đến xin học.
Một số lá bùa mà các thầy địa lý phái Hoàng Giang thường dùng.
“Một lần thầy bảo tôi rằng, ông sẽ không còn ở dương thế bao lâu nữa nhưng lại chưa có ai để truyền lại. Ông biết tôi đam mê nghiên cứu bùa chú nên xin phép gửi pháp thuật ở chỗ tôi để sau này cháu đích của ông lớn lên sẽ tìm để tự học”, ông Hùng kể.
Năm sau, ông thầy địa lý qua đời. Theo lời dặn, vào lúc nửa đêm trăng rằm ông Hùng ra khoảng đất trống vẽ một vòng tròn bát quái. Bên ngoài dải bùa và đốt nến. Ở giữa đóng một cây nêu đợi khi trăng đứng bóng thì ông Hùng phải đứng vào đúng chỗ đóng cọc đó.
Mấy ngày sau đó ông Hùng trở nên đờ đẫn. Mãi đến năm 1992, có người thanh niên ngoài hai mươi tuổi đến nhà tìm ông Hùng muốn xin lại pháp thuật mà ông nội đã gửi trước đó. Sau khi xong việc, chàng thanh niên đưa cho ông Hùng một lá bùa bảo ông đốt, hoà nước rồi uống. Uống xong, ông Hùng quên hết mọi chuyện liên quan đến bùa chú. Chỉ nhớ lại cách làm chứ không còn nhớ thần chú để trấn yểm nữa.
Sau rất nhiều năm nghiên cứu về phong thủy trấn yểm, nhà nghiên cứu Đặng Hùng cho rằng, ở vùng đất là “cái nôi” của các thầy địa lý như Vũ Thư thì sau khi chọn được người kế nghiệp. Thầy địa lý phải lập đàn phong ấn tín, phong đạo hiệu giống như một nghi lễ để truyền nghề. Và ngày nay, phong tục của các gia đình làm nghề địa lý vẫn được duy trì như vậy.
“Thực tế về năng lực của những thầy địa lý phong thủy như thế nào thì rất khó để xác định hoặc chứng minh. Tuy nhiên, khi khoa học chưa thể chứng minh hết được thì lại là cơ hội để những thầy địa lý rởm trục lợi kiếm tiền bằng đủ trò lừa bịp. Vì thế, người dân cần sáng suốt và không nên quá tin vào những chuyện pháp thuật đó”, nhà nghiên cứu Đặng Hùng.
Trần Hòa