Địa linh có sinh nhân kiệt?

a linh có sinh nhân kiệt, không chỉ là một câu hỏi cần đáp án mà cần sự chứng minh thực tế”.

“Những câu hỏi là bắt đầu của tư duy và nhận thức, nó ám ảnh những khả năng, làm chúng ta trăn trở về sứ mệnh của con người.

Hơn nữa dấy lên những khí chất còn tiềm ẩn của một dân tộc trong hành trình phát triển chứ không phải tự ru ngủ mình. Địa linh có sinh nhân kiệt, không chỉ là một câu hỏi cần đáp án mà cần sự chứng minh thực tế”, nhà nghiên cứu Hồ Nam cho biết.

Điểm huyệt “địa linh”

Nhà nghiên cứu Hồ Nam cho rằng, trên đất nước Việt Nam không ít địa danh được coi là địa linh với thế đất “rồng chầu, rắn cuốn” hay “rồng cuộn, hổ ngồi”.

địa linh có sinh nhân kiệt

Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) được coi là vùng núi “rồng chầu, rắn cuốn”.

Một trong những địa linh không thể không nhắc tới là Thăng Long – Hà Nội. Vua Lý Thái Tổ sau khi đã xem khắp nước Việt, cuối cùng đã tìm được nơi đắc địa nhất nước để định đô, đó là thành cũ Đại La, bởi đây là nơi có thế đất “rồng cuộn, hổ ngồi” (nguyên bản chữ Hán: “Long bàn, hổ cứ”).

“Địa linh: Đất phát. Nhân kiệt: Hiền tài. Phong thủy: Hài hòa… Những điều trên cần gần gũi, cần thuộc về tất cả mọi người. Đất có thành gì, Nhân có nên gì là ở ý chí và sức lao động con người mà thôi. Sống mà vô đạo, bất tín, phi thiện thì lụn bại, có địa linh cũng vô ích”.

Nhà nghiên cứu Hồ Nam

Trong Thiên đô chiếu, chính Lý Công Uẩn đã giải thích rõ thế đất của khu vực này. Vị trí: Ở vào nơi trung tâm của trời đất, ở giữa Nam – Bắc – Đông – Tây tức là thế đất đứng vào chính giữa của tứ phương đất nước. Địa hình: Tiện hình thế núi sông sau trước, là vùng đất nằm giữa các con sông.

Thổ nhưỡng, sản vật: Đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, đây là vùng đồng bằng đủ nước canh tác, sông hồ là hệ thống dẫn thủy nhập điền tự nhiên, đất đai màu mỡ, cây trồng, vật nuôi tốt tươi, dân an cư lạc nghiệp. Con người: Thực là chỗ hội họp của bốn phương.

Theo nhà nghiên cứu Hồ Nam, người ta hay nhắc tới núi thiêng Ba Vì nhưng cần phải biết rằng Ba Vì là núi trấn sơn chứ không phải là địa linh như Hà Nội. Một trong những ngọn núi địa linh được La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp xác định giúp Quang Trung xây thành là núi Quyết (Nghệ An) với thế núi hội đủ “long – ly – quy – phượng”.

Còn vùng núi “rồng chầu, rắn cuốn” ở thành nhà Hồ (Thanh Hoá) theo kinh nghiệm của con trai Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương khi tâu với vua cha: “Con đã xem kỹ đất này, đúng là đất rồng chầu rắn cuốn nhưng đất còn non nên chỉ mới là Long xà ẩm thủy lục niên ký chủ. Nghĩa là chỉ ở được trên dưới 6 năm thôi”.

Cũng theo nhà nghiên cứu Hồ Nam, có những vùng địa linh không phải để xây thành mà là đất phát. Tuỳ mỗi mảnh đất cát khí khác nhau mà sự phát cũng khác nhau. Ví như thế đất “cá chép hoá rồng” của làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) phát đường khoa bảng với nhiều ông tú, cử nhân, giáo sư, tiến sĩ.

Đừng ru ngủ bởi “địa linh”

Trả lời phóng viên, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho hay: “Trong thực tế hằng ngày chúng ta thường tiếp xúc với khái niệm có từ xa xưa, đó là khí.

Ví dụ như khí thế, vận khí, khí công. Khái niệm này có từ cổ học Đông phương và không đồng nhất với khái niệm không khí của tri thức hiện đại. Khái niệm “khí” trong cổ học nhằm mô tả bản chất của sự vật, sự việc thông qua hình tướng của sự vật, sự việc ấy.

Cùng là thanh niên nhưng có người được cho là khí chất tiểu nhân, có người có khí chất quân tử. Hay nói cách khác, quan niệm cổ Đông phương cho rằng, hình tướng khác nhau thì khí chất sẽ khác.

Từ đó liên hệ đến khái niệm địa linh. Tất nhiên với hình thức khác lạ thì khí chất sẽ khác và nó sẽ làm ảnh hưởng đến con người sinh ra từ vùng đất đó. Đó cũng chính là mối liên hệ nhân quả của “Địa linh – sinh – Nhân kiệt”.

TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hoá & Khoa học – Công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam lại giải thích, đất – khí – nước làm cho con người phát triển khoẻ mạnh, minh mẫn và trường thọ.

Những yếu tố hội tụ của đất địa linh mới tạo ra được nhân kiệt và nhân kiệt mới tôn vùng đất ấy thành linh thiêng. Bởi vì giữa địa linh và nhân kiệt là hai vế của một phương trình.

Nhà nghiên cứu Hồ Nam lại đưa ra những dẫn chứng, Singapore là một mảnh đất so với Nghệ Tĩnh, dân số đông gấp 4 lần, lãnh thổ không rộng bằng, không tài nguyên và nước ngọt, đã trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới.

Ở đó có lẽ người ta mới chỉ biết đến một cái tên mang ý nghĩa kiến tạo tầm cỡ quốc tế: Lý Quang Diệu – với tư duy nổi tiếng (công nghệ phương Tây, văn hóa Phương Đông, giá trị Singapore).

Mảnh đất đó có phải là địa linh? Có bao nhiêu nhân kiệt được ghi thành tên các đường phố của đất nước? Họ càng không thể có một Quốc Tử Giám như Việt Nam. Nghệ An, Hà Tĩnh là mảnh đất sinh ra rất nhiều người nổi tiếng, đến nay đang là tỉnh giàu hay nghèo?

Dãy Trường Sơn hùng vĩ là một vấn đề lớn làm thời tiết, khí hậu phức tạp và khắc nghiệt. Là thách đố muôn vàn gian khổ cho giao thông, hậu cần nhưng tinh thần của những lớp người Việt Nam đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Hai bên Trường Sơn đang được nối liền bởi con đường Đông Tây, vậy phong thủy ở đây là gì, địa linh là gì nếu con người không có ý chí?

Nhà nghiên cứu Hồ Nam nhận định: “Xã hội càng hiện đại thì người ta càng quan tâm đến vấn đề địa linh, nhân kiệt, phong thủy để giúp nó tác động đến cuộc sống, sự giàu sang và quyền thế.

Tôi không muốn định nghĩa bằng những câu chữ khiến người ta tự hãnh diện, tự rung đùi sung sướng, đi đến tôn sùng, an bài, yên ổn trong phạm vi không gian sống nhỏ hẹp, vô hình ngăn cản chí khí khai phát. Bởi đơn giản, địa linh là có thật nhưng có phát được hay không là ở yếu tố con người chứ không phải mảnh đất quyết định tất cả”.

“Địa linh sinh nhân kiệt, nhân kiệt làm cho vùng đất mình sinh ra thêm nổi tiếng chứ không phải làm cho vùng đất ấy trở nên linh thiêng. Tuy nhiên, nhiều người dựa vào yếu tố địa linh để trông chờ nhân kiệt mà không biết rằng, người tài phải được mài giũa bằng học hành giống như ngọc có mài mới sáng”.

TS Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ Văn hoá & Khoa học – Công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top