Thưởng trà đúng cách là cả một nghệ thuật.
GS. TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội Khoa học&Công nghệ Chè Việt Nam cho biết: Hiện nay nhiều người có thói quen là sau khi pha thì đổ nước đầu đi nhằm mục đích rửa trà và làm ấm bình trà, sau đó mới pha lại và uống. Tuy nhiên, cách này đồng nghĩa với việc đổ đi những hoạt chất quý có trong trà. Nếu trà kém chất lượng, không sạch thì hãy tráng, còn nếu sản phẩm chất lượng tốt, trà sạch thì đừng “tráng” để không bị mất đi các hoạt chất quý trong chè.
Muốn pha đúng cách để nước trà ngon, ngay từ đầu phải thực hiện công đoạn tráng ấm, chén. Hãy rót đầy ấm nước sôi, sau đó đổ đầy vào các chén rồi đổ đi. Công đoạn này giúp khử trùng ấm chén đồng thời làm nóng ấm chén nhằm đảm bảo pha trà và thưởng thức trà được ngon. Bước tiếp theo là pha trà, hãy cho trà theo lượng cần uống sau đó đậy ngay nắp lại.
Nhiều người lo ngại nước sôi 100 độ C sẽ làm mất đi các hoạt chất quý nên chỉ pha với nước sôi ở ở nhiệt độ 80 – 90 độ C, tuy nhiên, thực tế, dù nước sôi 100 độ C cũng không làm mất đi các chất dinh dưỡng hay mùi vị đặc trưng có trong chè.
Sau khi pha đợi 5 phút thì mở nắp và nhanh tay rót đều vào các chén, rót mỗi chén một chút sau đó lại rót lại lượt mới để đảm bảo sự đồng đều ở mọi chén trà. Nếu rót đầy chén đầu, rồi rót tiếp đầy chén thứ hai, thì đến chén thứ sáu (trong trường hợp uống đông người) thì có thể chén của người đầu tiên bị nhạt mà chén của người cuối cùng lại đặc.
Sau khi được rót ra cốc, người uống hãy đưa ngay chén trà lên để hít hà hương thơm nồng đượm đặc trưng của trà, sau đó uống từng ngụm nhỏ một để thưởng thức vị chát đặc trưng của trà. Khi cốc trà uống gần hết thì lại “chêm” thêm nước vào ấm và uống tiếp.
Bản chất của trà xanh là tan lâu vì thế không nên pha một ấm to rồi rót đầy ra các chén khiến chè chưa kịp tan hết các chất ra nước thì đã uống xong. Hãy pha ấm nhỏ, uống gần hết thì lại đổ thêm nước vào, nhâm nhi từng chút một để thức mùi thơm và mùi vị chát chát đặc trưng của trà.
Sơn Hà