Thiếu sắt não bộ không phát triển tối ưu
TS Nguyễn Văn Tuấn, Học viện Quân y cho biết, sắt vô cùng cần thiết cho não bộ và các TBTKTU. Oxy tiếp cận não bộ qua chất sắt có mặt ở hồng cầu. Chất sắt được thực phẩm cung cấp trực tiếp.
Nếu thiếu sắt, sự vận chuyển oxy không hoàn hảo, não bộ không được cung cấp đầy đủ năng lượng sẽ khiến cho các TBTKTU cũng bị thiếu năng lượng và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các TBTKTU.
Một số nghiên cứu cho biết, IQ của trẻ trên 1 tuổi tỷ lệ thuận với lượng sắt trong máu ở dây rốn của bà mẹ khi mang thai. Thiếu sắt từ dây rốn, sự phát triển não bộ của thai nhi không tối ưu, chỉ số phát triển não bộ giảm. Ở người trưởng thành thiếu sắt xuất hiện hiện tượng thiếu máu thiếu sắt và trầm cảm.
PGS.TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm cho biết, cơ thể con người chứa từ 3,5 – 4g sắt, một phần ở trong huyết cầu của máu và các sắc tố của các cơ, tham gia vào sự vận chuyển oxy từ phổi tới các tế bào và nhận khí carbonic của tế bào mang về phổi, một phần được dự trữ ở gan.
Vai trò vận chuyển oxy của sắt là rất quan trọng, vì tạo ra năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể. Cơ thể thiếu sắt sẽ bị yếu đi vì năng lượng bị giảm sút. Không những thế, sắt còn tham gia vào cấu tạo của một số enzym, co-enzym giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, thiếu những hồng cầu khỏe mạnh vận chuyển oxy trong máu dẫn đến những hiện tượng như: xuất huyết trong hệ tiêu hóa, mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, rối loạn nhịp tim…
Thực phẩm giàu sắt
Vitamin C kích thích sự hấp thu sắt
Theo PGS.TS Trần Đáng, sắt vô cùng nhưng lại là con dao hai lưỡi. Thiếu sắt cơ thể không được khỏe nhưng thừa sắt thì cơ thể dễ bị bệnh và chóng già.
Vì sắt cũng là nhân tố tiếp tay cho oxy hóa các tế bào và enzym, các điểm có lưu huỳnh trên màng bọc tế bào và các cơ quan nội tạng gây nên sự lão hóa và các chứng bệnh do tế bào bị lão hóa sinh ra như: bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh về mắt, não, parkinson, thấp khớp…
Trong khi đó, sắt lại là nguyên tố được cơ thể sử dụng một cách tiếp kiệm nhất. Cuộc đời hoạt động của các hồng cầu chỉ có 120 ngày, nhưng lượng sắt trong mỗi phân tử đã chết lại được cơ thể thu hồi để đưa về tủy sống, nơi chế tạo ra những hồng huyết cầu mới.
Mỗi ngày cơ thể chúng ta thường hấp thụ được từ 0,5- 1mg sắt, nhưng chỉ thải ra vào khoảng 0,1 – 0,7mg qua mồ hôi, nước tiểu và phân. Trong phân có những chất nhầy ở ruột có chứa những chất sắt mà cơ thể không hấp thụ được.
PGS.TS Trần Đáng chia sẻ, lượng thức ăn cho một người ăn mỗi ngày cơ thể chứa từ 10- 30mg sắt, nhưng cơ thể chỉ hấp thu được một phần nhỏ 0,5 – 1mg. Sắt có cả trong thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Lượng sắt cơ thể hấp thụ được còn chịu ảnh hưởng giữa các thức ăn và nước uống với nhau.
Những thức ăn có vitamin C, nước cam đều có tính chất kích thích sự hấp thu sắt. Trái lại chất tanin trong nước trà có ảnh hưởng ngược lại. Cà phê có ít ảnh hưởng hơn. Sắt trong thịt, cá dễ được hấp thụ hơn trong rau quả.
Để đề phòng hiện tượng thiếu sắt, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, người bị tai nạn hoặc bị bệnh gây xuất huyết dạ dày, ruột, hậu môn, trĩ, dạ con, người nghiện rượu, người ăn chay… đều cần chú ý đến các thực phẩm giàu sắt: ca cao, đậu khô các loại, dồi trường, thịt đỏ, phủ tạng (lưỡi, tim, gan, bầu dục động vật), cá thu, sò ốc, cá mồi, trứng, hải sản, rau tươi và nước uống có vitamin C. Chỉ uống thuốc bổ có chất sắt theo chỉ định của bác sĩ.
Nhật Hà