Hiện đang thiếu hụt nhà ở xã hội
Ngày 25/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo về “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”.
Tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu một số tồn tại của thị trường bất động sản.
Đầu tiên chính là một số chồng chéo, bất cập nhất định trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Tiếp đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu hụt lớn ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở giá hợp lý cho các đối tượng thu nhập thấp.
Tính đến hết quý 3/2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn với tổng diện tích hơn 7.100.000m2, đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 mặc dù đã gần hết năm 2021 - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, các địa phương triển khai cải tạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn rất chậm.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tương đương hơn 3 triệu m2 sàn, với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống, chủ yếu tập trung tại một số địa phương.
Tại Hà Nội có 1.579 nhà chung cư, TPHCM có 575 chung cư, Hải Phòng có 205 nhà chung cư, Quảng Ninh 60 nhà chung cư, Phú Thọ 23 nhà chung cư, Nghệ An 22 nhà chung cư... Trong khi đó, giá bất động sản lại liên tục tăng.
Thống kê toàn thị trường cho thấy, nguồn cung sản phẩm bất động sản mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ tương đương năm trước với 254 dự án (khoảng 82.258 căn). Cùng đó, lượng giao dịch bất động sản cũng chỉ bằng khoảng 80%.