Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, xử lý dứt điểm các trường hợp thuộc diện phải chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.
Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp phải thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng “găm đất” làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp của nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời rà soát đối với khu công nghiệp sau nhiều năm nhưng tỷ lệ lấp đầy còn thấp, quỹ đất còn trống nhiều so với quy mô khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới phải đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm.
Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng cũng giao Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp kiểm tra, rà soát việc cho thuê lại đất trong khu công nghiệp, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp đầu cơ đất công nghiệp. Phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố nghiên cứu điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2021 - 2030.
Các đơn vị này phải có giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát việc sử dụng đất đảm bảo phù hợp mục đích sử dụng đất, không tham mưu chuyển mục đích sử dụng đất của khu công nghiệp sang mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Sở Nội vụ được giao chủ trì, tham mưu UBND TP Đà Nẵng phân cấp, ủy quyền triệt để và tổ chức bộ máy của Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 35/2022 của Chính phủ.