Theo Bộ Xây dựng, đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Điều này sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân, vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng, Bộ nên xem xét lại xem đâu mới là đối tượng thực sự cần thiết để hỗ trợ trong vấn đề này. Chủ đầu tư hay người mua nhà?
Việc các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về vốn chỉ là một nút thắt nhỏ. Vì trên thực tế, nhiều chủ đầu tư không thực sự cảm thấy mặn mà với nhà ở xã hội.
Mà một trong những nguyên nhân chính, là biên lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp hơn rất nhiều so với các loại hình xây dựng khác. Chưa kể, thủ tục hành chính rườm rà đã khiến cho chủ đầu tư “né tránh” xây nhà ở xã hội.
Trong khi, vấn đề lớn nhất đối với người mua nhà ở xã hội lại chính là thiếu tiền. Họ luôn trong tình trạng không đủ tiền để mua nhà vì thu nhập quá thấp.
Trước đó, Chính phủ cũng đã thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Gói này hiện đã kết thúc. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân trên, cùng với một số biến tướng đã khiến nhiều khách hàng không mặn mà với nhà ở xã hội. Vì vậy, nhiều dự án nhà ở xã hội rơi vào cảnh ế ẩmnhiều năm.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội. Quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2. Hiện tại đang tiếp tục triển khai 278 dự án. Quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.