Ngân hàng nào liên quan đến gói tín dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội?

Kiến nghị này được Bộ Xây dựng đưa ra cuối tháng 10/2021, vào chương trình phục hồi kinh tế. Trọng tâm là gói tín dụng 65.000 tỷ cho người lao động, công nhân vay mua nhà và hỗ trợ chủ đầu tư.

Đề xuất gói tin dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Cụ thể, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng được chia làm hai phần.

Gói tín dụng thứ nhất, cấp bù lãi suất trị giá 15.000 tỷ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó, 14.000 tỷ đồng sẽ được cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ khách hàng cá nhân theo Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà.

Phần còn lại 1.000 tỷ đồng dành cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, LienVietPost Bank, VIB, ACB...) và cho các cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay.

Gói thứ hai trị giá 50.000 tỷ đồng, Ngân hàng nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ một số đối tượng vay ưu đãi, gồm: công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đề xuất này của Bộ Xây dựng thay cho phương án về gói 30.000 tỷ đồng cơ quan này đưa ra trước đó.

So với phương án đề xuất trước, kiến nghị chính thức của Bộ Xây dựng tăng hơn hai lần về quy mô và hướng tới hỗ trợ cả người mua nhà thay vì chỉ chủ đầu tư xây nhà xã hội như trước.

Theo Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn với tổng mức đầu tư ước tính 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Theo Đời sống
back to top