Tập dưỡng sinh đẩy lùi viêm mao mạch dị ứng - Kỳ 1

(khoahocdoisong.vn) - Bị thoát vị đĩa đệm và biến chứng của bệnh viêm mao mạch dị ứng gây đau nhức xương khớp… nhờ kiên trì tập luyện bộ môn Yoga và thể dục dưỡng sinh, bà Nguyễn Thị Thủy (56 tuổi, khu 212 Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Hà Nội) đã đẩy lùi được cơn đau xương khớp, cơ thể dẻo dai và tinh thần thoải mái hơn.

Viêm mao mạch dị ứng gây biến chứng xương khớp

Hồi nhỏ, bà Thủy mắc chứng viêm mao mạch dị ứng. Một buổi chiều sau khi tắm, đột nhiên bà thấy xuất hiện chi chít các nốt đỏ dưới da từ bàn chân lên đến đùi. Các nốt này không đau, không ngứa, sờ vào hơi gợn tay, giống như các mạch máu bị vỡ ra, tụ vào các điểm ở dưới da. Đi khám  thì được chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng. Bác sĩ nói bệnh này không nguy hiểm nhưng cần giữ gìn vì có thể sẽ biến chứng về xương khớp sau này.

Quả nhiên, uống thuốc sau khoảng 2 tuần là khỏi. Tuy nhiên, sau này khi càng có tuổi bà thấy càng hay bị đau xương khớp. Cơn đau âm ỉ trong xương nhưng không kéo dài và liên tục, đau thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là khi mưa lạnh kéo dài, ẩm thấp. Cơn đau xuất hiện một vài nơi trên cơ thể, có thể ở cẳng chân, bả vai, bắp tay, đau buốt trong xương gây cảm giác khó chịu. Có những ngày, cơn đau khiến bà mất ngủ triền miên, đi lại, vận động khó khăn khiến cơ thể, tinh thần mệt mỏi.

Ngoài ra, bà Thủy còn mắc thoát vị đĩa đệm, viêm khớp gối dạng thấp,… thường xuyên bị tê, nhức lan dọc từ thắt lưng xuống mông và chân. Ban đầu cơn đau âm ỉ nhưng càng về sau càng đau nhiều và dữ dội.

Bà Nguyễn Thị Thủy thực hiện bài tập dưỡng sinh

Bà Nguyễn Thị Thủy thực hiện bài tập dưỡng sinh

Tăng cường ngũ cốc và hít thở dưỡng sinh

Bà bắt đầu tham gia CLB thể dục dưỡng sinh tổ 2 Tân Xuân từ tháng 8/2018. Bà Thủy chia sẻ: “Thật may mắn khi được biết đến và tham gia CLB thể dục dưỡng sinh này, từ khi tập đến nay hầu như tôi không còn bị đau xương, khớp, tinh thần sảng khoái, vận động cũng không còn nặng nề như trước nữa. Ban đầu tôi chỉ nghĩ tập cho vui, không ngờ tập lâu các cơn đau buốt đã tan biến đi lúc nào không hay.”

Bà Thủy thường tập 2 lần một ngày, vào buổi sáng sớm và buổi tối. Các động tác của thể dục dưỡng sinh đơn giản, nhẹ nhàng, không phức tạp và được tập trên nền nhạc. Đầu mỗi buổi tập, mọi người sẽ tập bài tập luyện thở gồm 4 thì. Thì 1: Hít sâu cho cổ, ngực, bụng phình lên. Thì 2: Giữ lại hơi thở để sự trao đổi diễn ra hoàn chỉnh. Thì 3: Thở ra tự nhiên và thoải mái. Thì 4: Thả lỏng hoàn toàn cơ thể. Mỗi thì chiếm ¼ của một hơi thở và mỗi hơi thở lặp lại khoảng 4 lần trong vòng một phút.

Ngoài tập dưỡng sinh, bà Thủy còn uống ngũ cốc mỗi ngày vì ngũ cốc cung cấp chất xơ, giàu vitamin và khoáng chất cùng các chất chống oxy hóa rất tốt cho người bị viêm khớp. Bà mang nghiền các loại gạo lứt, ngô rang, lúa mì,… pha uống 2 cốc mỗi ngày. Đến nay, bà không còn cảm thấy đau nhức và buốt xương nữa. Tinh thần lúc nào cũng thoải mái và không còn tình trạng mất ngủ triền miên như trước.

 “Người cao tuổi luôn ở tình trạng thiếu oxy tiềm tàng cho chức năng của tim, phổi đã không còn được trơn tru như khi còn trẻ, phổi và tim kém đàn hồi khiến cho lượng máu lên não kém hơn. Những cơ quan chức năng như tiêu hóa, hệ cơ, hệ xương khớp của người già rất dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật. Trong khi đó, thể dục dưỡng sinh được biết đến như một phương pháp tăng cường oxy trong máu hiệu quả, giúp hạn chế các triệu chứng đau nhức xương khớp hay ốm yếu của các bệnh tuổi già. Tăng cường hoạt động của xương khớp, khiến người bệnh ăn uống tốt hơn, ngủ ngon hơn, cơ thể dẻo dai và tinh thần phấn chấn hơn.” Bà Trần Thu Loan – Chủ nhiệm CLB Thể dục dưỡng sinh tổ 2 Tân Xuân.

Theo Đời sống
back to top