Tại sao thời tiết thay đổi lại đau xương khớp?

(khoahocdoisong.vn) - Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch... dẫn tới đau khớp.

Ảnh hưởng của yếu tố thời tiết lên bệnh xương khớp như thế nào?

Trên thực tế, thật khó mà xác định được mối liên quan giữa đau xương khớp và thời tiết. Khí hậu bao gồm rất nhiều thông số như nhiệt độ, độ ẩm, áp lực khí quyển, mưa gió, thậm chí tuyết rơi và băng giá. Chúng thay đổi từ ngày này qua ngày khác và thậm chí thay đổi trong từng ngày.

Tuy nhiên người ta cũng có thể phân biệt các vùng khí hậu lớn như khí hậu đại dương, lục địa, bán lục địa, Địa Trung Hải. Do vậy để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết lên bệnh xương khớp người ta phải đánh giá rất nhiều những thông số chính của thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ, nhiệt độ tối thiểu và tối đa trong ngày, nắng, áp suất khí quyển trung bình trong ngày, biên độ thay đổi áp suất trong ngày, mưa, tốc độ của gió, sương mù. Các thông số này rất thay đổi và kết hợp với nhau cũng rất khác nhau thậm chí trong một ngày.

Năm 1929, Renschler đã tiến hành nghiên cứu 367 bệnh nhân xương khớp nhập viện. Ông nhận thấy rằng 72% bệnh nhân khớp đau tăng lên khi sụt giảm áp suất khí quyển. Nhiệt độ và độ ẩm ở ngoài trời khác ở trong nhà, nhưng áp lực khí quyển thì như nhau cả ở trong nhà và ở ngoài trời.

Vào năm 1985, tại Hà Lan nơi có khí hậu đại dương, người ta cũng tiến hành nghiên cứu trên 88 bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy đau xương khớp tăng lên có liên quan đến thay đổi nhiệt độ, áp lực hơi nước, độ ẩm không khí, và ảnh hưởng này rõ rệt vào mùa hè hơn mùa đông.

Một nghiên cứu khác tiến hành năm 2002 tại Argentina, cho thấy nhiệt độ thấp, áp lực khí quyển cao và độ ẩm lớn là những yếu tố khí hậu ảnh hưởng lớn đến bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như bệnh thoái hóa khớp. Ngay từ năm 1948, một nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của môi trường khô và ấm áp đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Tại sao sự thay đổi thời tiết lại ảnh hưởng đến bệnh lý xương khớp?

Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch. Chính sự thay đổi nội môi này góp phần làm xuất hiện các đợt đau xương khớp.

Vai trò của nhiệt độ thấp cũng được đề cập đến trong việc xuất hiện cơn gút cấp. Vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng nhiệt độ của ngón chân cái thấp nhất, do đó các muối urat dễ kết tủa nhất. Yếu tố lạnh còn gây nên hội chứng Raynaud, một tình trạng bệnh lý thường hay kết hợp với các bệnh khớp như luput ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể.

Độ nhớt của dịch khớp tăng lên khi nhiệt độ hạ thấp, giải thích sự cứng khớp trong bệnh thoái hóa khớp. Vai trò của mặt trời gây sạm da và ban đỏ ở da tiếp xúc với ánh sáng trong bệnh luput đã được chứng minh. Do vậy bệnh nhân luput phải bảo vệ, che chắn khỏi các tia tử ngoại của mặt trời.

PGS.TS Trần Trung Dũng

(Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top