Động tác 1: Ngồi ở mép giường và nhìn thẳng về phía trước. Từ từ nằm thẳng ra, đầu nghiêng 45 độ. Nằm im tư thế đó trong 30 giây rồi ngồi dậy. Lặp lại 5 lần động tác này với đầu hướng lần lượt sang phía đối diện.
Động tác 2: Ngồi thoải mái trên ghế với đôi bàn chân đặt ngay ngắn trên sàn nhà. Sử dụng một vật nào đó ví dụ như một lá bài chẳng hạn. Cầm nó cách xa mắt với khoảng cách là độ dài của cánh tay. Di chuyển lá bài đó từ trái qua phải để mắt cũng di chuyển theo. Tiếp tục từ 1 – 2 phút hoặc có thể hơn cho đến khi các triệu chứng căng thẳng giảm dần.
Động tác 3: Ngồi thoải mái trên ghế đặt chân như ở động tác 2. Vẫn dùng lá bài nhưng không di chuyển mắt mà di chuyển đầu theo dao động của lá bài. Tuy nhiên quay đầu sao cho mắt luôn tập trung được vào lá bài. Tập từ 1 – 2 phút cho đến khi các triệu chứng giảm dần.
Động tác 4: Kết hợp đầu và mắt. Ngồi thoải mái trên ghế với chân giữ vững trên sàn nhà. Sử dụng một vật ví dụ như tấm thẻ, lá bài hay cuốn sách nhỏ giữ cách xa khuôn mặt một sải tay. Quay đầu và bắt đầu di chuyển vật đó chiều ngược lại trong khi vẫn giữ đôi mắt tập trung vào vật. Nếu đầu di chuyển sang trái thì vật đó di chuyển chiều ngược lại sang phải nhưng đôi mắt vẫn tập trung vào vật di chuyển. Tập động tác này từ 1 – 2 phút cho đến khi các triệu chứng căng thẳng giảm hẳn.
Song song với việc luyện tập các bài tập riêng về tiền đình, người bệnh nên đi bộ kết hợp tập thể dục và điều chỉnh các thói quen, lối sống như: không ngồi liên tục quá lâu, nhất là ngồi máy tính, hạn chế uống rượu, cà phê, thuốc lá, tránh thay đổi tư thế đột ngột, giảm thiểu căng thẳng, lo âu…
Tập luyện là cách thử thách tốt nhất để tăng cường sức chịu đựng, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh không nên tập quá sức mà phải làm quen dần dần với các tư thế, từ chậm đến nhanh, tăng dần thời gian để cơ thể thích nghi… tránh xảy ra những biến cố trong khi tập.
BS Trần Danh Phương (Bệnh viện Thể thao Việt Nam)