Tưởng sốt xuất huyết không ngờ sốt rét ác tính
Sau 3 ngày sốt, mệt mỏi, chị P.T.T.T 39 tuổi ở Vĩnh Phúc đi khám và được nhập viện. Với biểu hiện sốt cấp tính, tiểu cầu giảm nên các bác sĩ nghi ngờ chị bị mắc sốt xuất huyết Dengue.
Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, bệnh không thuyên giảm mà càng trở nặng hơn nên chị T được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ngày 25/12/2024 (ngày thứ 7 của bệnh), chị T nhập viện khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao rét run, tụt huyết áp, rối loạn ý thức, suy đa tạng và tan máu, rối loạn đông máu nặng. Chị T được tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt ống nội khí quản thở máy và lọc máu.
Khai thác kỹ thông tin dịch tễ, được biết chị T đã đi nhiều nước. Đặc biệt thời gian vừa qua, chị T có chuyến công tác 2 tháng tại Sierra Leone - một nước Tây Phi. Lúc về nước, chị quá cảnh ở Ethiopia 2 giờ và tại Thái Lan 7 giờ. Với các biểu hiện và tiền sử bệnh, các bác sĩ nghi ngờ chị T mắc sốt rét, nơi bệnh sốt rét đang hoành hành mạnh.
Bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm: “Ngày 26/12 chị T có kết quả khẳng định dương tính với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum (chủng sốt rét phổ biến nhất gây bệnh sốt rét ác tính ở Châu Phi hiện nay) với mật độ ký sinh trùng trong máu rất cao là 182.667 kst/mm3
. Bệnh nhân nhiễm sốt rét ác tính với thể bệnh nguy kịch là sốt rét thể não và có biến chứng sốc. Mặc dù được chẩn đoán bệnh ngay từ sớm, kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và dùng thuốc chống ký sinh trùng sốt rét sớm, tuy nhiên tiên lượng tử vong vẫn rất cao”.
Sau một tuần điều trị tích cực, đến ngày thứ 16 của bệnh, ký sinh trùng sốt rét ở trong máu của chị T đã không còn, bệnh nhân hết tan máu và thoát sốc, tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải thở máy và điều trị các biến chứng suy tạng khác.
Tan máu, suy đa tạng... do mắc sốt rét sau chuyến công tác nước ngoài |
Biến chứng não và suy đa tạng nguy hiểm
Bác sĩ Phan Văn Mạnh cho biết thêm: “Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium spp ở người gây nên, thường gặp ở các quốc gia nhiệt đới. Plasmodium spp lây truyền qua trung gian muỗi Anopheles. Bệnh biểu hiện điển hình bằng cơn sốt với 3 giai đoạn: rét run, sốt nóng, vã mồ hôi. Tuy nhiên, nếu không khai thác kỹ bệnh sử và biểu hiện bệnh, chẩn đoán có thể bị bỏ qua.
Trong những thể lâm sàng nặng với biến chứng não, sốc, suy tạng... các triệu chứng bệnh thường chồng chéo và gây khó khăn trong chẩn đoán, trong khi tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời...”
PGS.TS Đỗ Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, sốt rét ác tính là một thể sốt rét rất nguy kịch do bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, dẫn đến rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn, giảm tưới máu và thiếu oxy lên não, gây nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh sốt rét hiện rất ít gặp nên các ca bệnh thường được phát hiện muộn. Biểu hiện sốt rét thường bị nhầm với sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết và một số bệnh nhiễm trùng khác phổ biến hơn. Do đó, người bệnh cần được khai thác kỹ về yếu tố dịch tễ.
Sốt rét biến chứng hay sốt rét ác tính có biểu hiện ác tính nổi bật là xuất hiện rối loạn ý thức (li bì hoặc vật vã, cuồng sảng, nói lảm nhảm), sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, thể trạng nặng...
Dễ chẩn đoán nhầm
Theo PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - BV Bạch Mai cho biết, nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hầu như không còn bệnh nhân sốt rét. Vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót.
Hơn nữa, do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết hay nhiễm trùng tiết niệu....
TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cảnh báo, cần chú ý phân biệt triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt rét. Sốt xuất huyết do 4 type virus gây ra, bệnh nhân sẽ bị sốt đột ngột, sốt nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt lại, người mệt, nhức đầu, đau hốc mắt, buồn nôn, tiêu chảy...
Còn sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, cơn sốt rét điển hình sẽ có các triệu chứng như rét run, sốt nóng và vã mồ hôi. Mỗi ngày người bệnh sẽ lên cơn sốt 1-2 lần tùy thuộc vào loại ký sinh trùng nào gây ra. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi sau mỗi cơn sốt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Vì vậy, nếu bệnh nhân sống hay di chuyển từ quốc gia có dịch như Lào, Campuchia, Châu Phi, vùng rừng núi, ngập mặn, nơi đang lưu hành sốt rét như Bình Phước, khu vực Tây Nguyên... mà có biểu hiện sốt thì cần nghĩ ngay tới nguy cơ bị nhiễm sốt rét đầu tiên.
Với những người có biểu hiện sốt cấp tính kèm theo các yếu tố dịch tễ đi từ nước ngoài về, đặc biệt là các nước hiện đang lưu hành các bệnh sốt rét như các nước Châu Phi, cần ngay lập tức đến bệnh viện để kiểm tra và chẩn đoán kịp thời” - Bác sĩ Mạnh nhấn mạnh.