Hội chứng đau cơ xơ hóa là gì?

Hội chứng đau cơ xơ hoá là một tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Đau cơ xơ hoá thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, hoặc trầm cảm nhưng không có tổn thương thực thể.

Đau xoắn vặn và bỏng rát ở mọi lứa tuổi

Hầu hết các bệnh nhân đau cơ xơ hóa (Fibromyalgia syndrome FMS), đều biểu hiện đau toàn thân, đau căng cơ như tình trạng sau khi làm việc nặng, có thể có cảm giác đau xoắn vặn, đau bỏng rát ở cơ. Hội chứng FMS gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở lứa tuổi 50-60 tuổi, nữ nhiều hơn nam.

FMS chiếm khoảng 2% dân số, ở Mỹ hàng năm có khoảng 3-6 triệu người mắc chứng FMS. FMS hay gặp ở những bệnh nhân mắc các bệnh khớp mạn tính như: viêm khớp dạng thấp, luput ban đỏ hệ thống, viêm cột sống dính khớp....

Hội chứng FMS tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng người bệnh nhưng mức độ của bệnh có thể tiển triển nặng lên theo thời gian và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt và chất lượng sống của bệnh nhân.

Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân của hội chứng FMS, tuy nhiên có một số giả thuyết đã được nghiên cứu và chấp thuận:

Yếu tố di truyền: Có một số bằng chứng cho thấy yếu tố di truyền có giữ một vai trò quan trọng trong bệnh nguyên của hội chứng FMS: bệnh có yếu tố gia đình, và FMS liên quan đến nhiều vị trí gen trong hệ thống serotonine, dopamine, và catecholamine. Tuy nhiên các gen này không đặc hiệu cho FMS mà còn phối hợp với một số bệnh khác: hội chứng mệt mạn tính, hội chứng đại tràng kích thích, chứng trầm cảm...

Stress: các nghiên cứu cho thấy stress là một yếu tố quan trọng trong quá trình khởi phát và tiến triển của FMS, do stress có thể làm thay đổi chức năng của HPA acid và làm thay đổi hàm lượng cortisone trong cơ thể dẫn đến đau lan toả toàn thân và kéo dài.

Rối loạn giấc ngủ: nghiên cứu điện não đồ cho thấy người bệnh FMS thiếu sóng chậm của giấc ngủ, do đó ảnh hưởng đến giai đoạn 4 của giấc ngủ.

Bất thường về Dopamine: các nghiên cứu cho thấy hàm lượng Dopamine bị giảm sút ở bệnh nhân FMS do giảm quá trình tổng hợp cũng như giải phóng dopamine liên quan đến các bệnh lý thần kinh khác như Parkinson...

Hormon tăng trưởng: Hàm lượng hormone tăng trưởng ở bệnh nhân FMS bị giảm sút do stress có thể gây những biến động ở vùng dưới đồi ảnh hưởng đến giấc ngủ và giảm các sản phẩm của hormone tăng trưởng trong sóng chậm của giấc ngủ.

Các yếu tố khác: Sự suy giảm hàm lượng serotonine ở bệnh nhân FMS, nhiễm virus (Epstein Barr Virus), bất thường miễn dịch (bệnhlý tự miễn...)

Chứng bệnh gây tàn phế

Hội chứng FMS được mô tả đầu tiên vào năm 1976 theo thuật ngữ Latin fibrra (fiber-xơ), chữ Hy lạp myo (muscle-cơ) và algos (pain-đau). Bác sỹ Muhammad B. Yunus là người đầu tiên công bố những nghiên cứu lâm sàng về hội chứng FMS vào năm 1981. Năm 1987, FMS được Hội Thấp Khớp Học Mỹ (ACR) công nhận là một chứng bệnh và gây tàn phế và tiêu chuẩn chẩn đoán FMS được ACR đưa ra vào năm 1990.

Các biểu hiện của hội chứng FMS nguyên phát:

Đau: đau lan toả, mạn tính và không có giới hạn rõ ràng của vùng đau, đau lan toả toàn bộ cơ thể. Bệnh nhân có cảm giác đau sâu trong cơ, đau co thắt, đau như cắt hoặc đau rát bỏng ở một vùng gân, cơ hoặc tổ chức mềm quanh khớp. Có các điểm đau (tender point) khi ấn sâu chủ yếu tập trung ở vùng cổ, gáy, vai, lưng...

Bệnh nhân thường bị đau tăng vào buổi sáng, và buổi tối.. FMS có thể gặp ở trẻ em, trong những trường hợp này cần phải hỏi kỹ tiền sử bệnh và khám lâm sàng kỹ để chẩn đoán phân biệt với tình trạng đau xương khớp ở tuổi phát triển (Growing Pain).

Mệt mỏi: người bệnh mệt mỏi nhiều, khó tập trung,..đây là một trong những nguyên nhân làm bệnh nhân FMS bị chẩn đoán nhầm với các chứng bệnh khác như chứng mệt mỏi mạn tính, chứng trầm cảm...

Mất ngủ: tình trạng mất ngủ tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

Đau đầu mạn tính không rõ nguyên: chiếm tới 70% bệnh nhân, bệnh nhân đau đầu nhưng không có cảm giác chóng mặt, buồn nôn, hay nhìn mờ...

Hội chứng đại tràng kích thích: Các triệu chứng đau bụng, táo bón, đi ngoài phân lỏng, đánh hơi nhiều, hoặc buồn nôn chiếm khoảng 40-70%, có 2-5% bệnh nhân có hội chứng trào ngược dạ dày.

Rối loạn chức năng vận động của khớp thái dương hàm: có thể bệnh nhân nhai khó, há khó hoặc cảm giác cứng khớp thái dương hàm vào buổi sáng.

Các triệu chứng khác: các biểu hiện của hội chứng tiền mạn kinh (bốc hoả, ra mồ hôi bất thường...) đau ngực, cứng khớp buổi sáng, tê buốt đầu chi, cảm giác sưng nề đầu chi, tăng mẫn cảm da, hội chứng kích thích bàng quang. Bệnh nhân FM thường có nhậy cảm quá mức với ánh sáng mạnh, tiếng động mạnh, và có khi cả với các thuốc điều trị.

Các yếu tố thuận lợi cho khởi phát và tiến triển của bệnh: thay đổi thời tiết, tình trạng nhiễm khuẩn, dị ứng, thay đổi hormon (mạn kinh), tress, trầm cảm...

Hội chứng FMS thứ phát: có đầy đủ các triệu chứng của FMS nguyên phát và thường xảy ra ở những bệnh nhân có các bệnh lý: phụ nữ sau phẫu thuật thẩm mỹ bơm silicon để nâng ngực,viêm nội mạc tử cung, viêm gan C, bệnh Lyme, sau các phẫu thuật hoặc chấn thương...

Hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán FMS, mà chủ yếu dựa vào tiền sử bệnh, các triệu chứng lâm sàng, khám lâm sàng với các điểm đau dựa vào 2 tiêu chuẩn của Hội Thấp Khớp Học Mỹ (ACR) năm 1990:

Tiền sử có đau lan toả kéo dài trên 3 tháng: đau lan rộng ¾ cơ thể (đau một bên hoặc cả hai bên thân người, đau phía trên hoặc phía dưới ngang eo cột sống thắt lưng.)

Có điểm đau: bao gồm 18 điểm trên toàn cơ thể. Khi chẩn đoán có thể dùng lực 4 kilogam ấn vào các điểm đau (áp lực ấn ngón tay cái của thầy thuốc vào các điểm đau), chứng FM được chẩn đoán xác định khi người bệnh có 11/18 điểm đau.

Cách điều trị

Không có liệu pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng FMS, chủ yếu là điều trị các triệu chứng cảu bệnh. Theo khuyến cáo điều trị của Hội Thấp Khớp Học châu Âu hội chứng FMS được điều trị bằng các biện pháp sau:

Điều trị bằng thuốc:

- Thuốc giảm đau: có rất nhiều thuốc điều trị giảm đau trong FMS như nhóm thuốc chống viêm không steroid, ức chế COX-2, Tramadol, Pregabalin (Lyrica)...

- Thuốc giãn cơ: các thuốc giãn cơ được dùng phối hợp với thuốc giảm đau trong điều trị FMS: Myonal, Mydocalm, Contramyl...

- Tiêm các điểm đau bằng corticoid (Hydrocortisone, Depo-Medrol...)

- Thuốc chống trầm cảm: một số thuốc chống trầm cảm với liều thấp có thể dùng trong điều trị FMS để trợ giúp cải thiện giấc ngủ cho người bệnh: amitriptylin, trazodone...Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, FMS không phải bệnh trầm cảm nên không được lạm dụng nhóm thuốc này trong điều trị FMS.

- Thuốc ức chế chọn lọc serotonin.

- Thuốc kháng dopamine: pramipexol (Mirapex), ropiroloe (Requip)

- Thuốc kích thích thần kinh trung ương.

- Các thuốc mới đang nghiên cứu trong điều trị FMS: Milnacipran là thuốc ức chế serotonine-norepinephrin, Milnacipran điều trị có hiệu quả tốt ở một số nước châu Âu và đã được FDA chấp thuận điều trị FMS vào tháng 7 năm 2008. Ngoài ra một thuốc mới là Dextromethorphan cũng đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong điều trị FMS

Điều trị không dùng thuốc:

- Vật lý trị liệu: vận động liệu pháp, nhiệt trị liệu, thuỷ trị liệu, xoa bóp, châm cứu...đều có hiệu quả tốt trong điều trị giảm đau của FMS.

- Tâm lý trị liệu: rất có hiệu quả với bệnh nhân FMS, đặc biệt với người bệnh ở giai đoạn khởi phát.

Hội chứng FMS cần chẩn đoán phân biệt với chứng đau cân cơ là một tình trạng đau thường gặp trong các bệnh lý xương khớp do xoay vặn, kéo giãn khớp quá mức, hoặc do lạnh xuất hiện với các điểm khởi động đau ở các cân cơ vùng cổ, gáy, vai...

Chẩn đoán phân biệt hai hội chứng này dựa vào các đặc điểm sau:

MFS: thường đau có tính chất lan toả, kèm theo triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, có cứng khớp vào buổi sáng và có các điểm đau khi ấn, tiến triển mạn tính.

MP: đau có tính chất khu trú, và có điểm khởi động đau, đáp ứng tốt với điều trị.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp rất khó chẩn đoán phân biệt hai hội chứng này nên trên lâm sàng gọi là tình trạng FMS và MP phối hợp.

PGS.TS. Trần Thị Minh Hoa (Nguyên Trưởng Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch mai)

Theo VietnamDaily
Virus HMPV lây lan như thế nào?

Virus HMPV lây lan như thế nào?

Virus có thể lây lan qua các giọt bắn nhỏ li ti trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt bắn này có thể chứa virus HMPV và xâm nhập vào đường hô hấp của người khỏe mạnh.
back to top