Nguyên nhân gây bệnh giun đũa chó mèo?
Toxocariasis là bệnh ký sinh trùng gây ra bởi ấu trùng của hai loài Toxocara giun tròn: Toxocara canis từ chó và ít phổ biến hơn là Toxocara cati từ mèo, hay ổ chứa trứng giun trưởng thành trong đất và gây bệnh cho một số loài động vật, nước nhiễm phân chó mèo.
Con người có thể vô tình ăn phải trứng giun do ăn đồ sống được trồng lấy từ đất bị ô nhiễm bởi phân động vật nhiễm bệnh hoặc có thể ăn các động vật bị nhiễm chưa nấu chín. Trứng giun nở trong ruột người, ấu trùng xâm nhập vào thành ruột và có thể di chuyển qua gan, phổi, thần kinh trung ương, mắt, hoặc các mô khác gây ra biểu hiện lâm sàng.
Ảnh minh họa |
Làm sao để biết bản thân mắc bệnh giun đũa chó mèo?
Hầu hết những người bị nhiễm Toxocara không có bất kỳ triệu chứng nào nên dễ bị bỏ qua. Một số bệnh nhân có biểu hiện sẩn ngứa ngoài da nên dễ nhầm lẫn với bệnh lý các chuyên khoa khác.
Thông thường bị bệnh là mệt mỏi, ăn ngủ kém, hay ngứa, nổi mày đay từng lúc…và tùy từng vị trí di chuyển, bệnh lại gây các biểu hiện khác nhau theo các thể bệnh như:
Toxocara nội tạng: Triệu chứng hay gặp là ho, khò khè, sốt kéo dài, thiếu máu, gan to…xét nghiệm máu thấy bạch cầu ưa axit tăng cao, bệnh nhân có thể lên cơn hen suyễn hoặc viêm phổi, tràn dịch màng phổi và gây suy hô hấp.
Người bệnh thường có gan to, dễ nhầm với tổn thương ác tính. Một số trường hợp có lách to hay nổi hạch, nổi mày đay, nốt dưới da, đau khớp, viêm mạch máu.
Đặc biệt, nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, người bệnh sẽ có biến chứng nặng nề như mất điều hòa vận động, co giật, hôn mê hoặc nhẹ hơn như rối loạn cảm giác, yếu cơ, rối loạn tâm thần… Một số trường hợp hiếm gây viêm cơ, viêm mô dưới da, báng bụng, viêm dạ dày, bệnh lý giãn cơ tim, khối u giả ở cơ tim gây đột tử....
Toxocara ở mắt: Ấu trùng di chuyển vào mắt, thường ở một bên hiếm khi hai bên. Người bệnh bị giảm thị lực, đau mắt, lé mắt kéo dài nhiều tuần, thường gặp nhất là u hạt võng mạc, dễ nhầm với ung thư. Những biểu hiện thường gặp khác là viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị, có mủ trong tiền phòng.
Toxocara không điển hình: người bệnh có những triệu chứng không đặc trưng như hai nhóm trên mà chỉ là: ăn ngủ không được, sốt, đau bụng, ho, hạch sau cổ…
Ảnh minh họa |
Phòng ngừa bệnh giun đũa chó mèo
Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo. Với chó, mèo con, cần tẩy giun liều đầu tiên ngay khi chúng mới sinh ra 2-3 tuần tuổi. Dùng thuốc chống giun dự phòng định kỳ, kể cả chó con và chó cái mang thai để hạn chế lan truyền bệnh.
Vệ sinh phòng bệnh: Vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em.
Thu dọn, loại bỏ ngay các phân các thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm.
Rửa sạch tay sau khi sờ hay chơi với các thú cưng và vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi nguy cơ nhiễm.
Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, đảm bảo ăn chín, uống chín. Cọ, rửa sạch nơi vui chơi của trẻ em.
Tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó, mèo.
Các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, nếu người dân thấy xuất hiện các biểu hiện như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, ho, rối loạn giấc ngủ, thay đổi hành vi (thèm ăn, lo lắng, bất an...) nên lập tức đến thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh.