Nhiều quốc gia ghi nhận ca bệnh: 10 – 12% bệnh đường hô hấp ở trẻ là do virus HMPV
BS Bùi Thanh Phong, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, đợt bùng phát bệnh do HMPV ở miền Bắc Trung Quốc hiện đang gây hoang mang trên toàn cầu, khiến nhiều người lo lắng về sự lây lan và nguy hiểm của loại virus này sẽ giống với SARS-CoV-2 trong đại dịch xảy ra vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, virus HMPV không phải là loại virus mới. Trên thực tế, virus HMPV đã được phát hiện từ những năm 2.000 và là tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, hầu hết trẻ em đều có khả năng nhiễm trùng virus này ít nhất một lần trước khi lên 5 tuổi.
Theo ước tính, khoảng 10 – 12% các bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do HMPV gây ra, trong đó có khoảng 5 – 16% trẻ sẽ phát triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi.
Theo PGS.TS. BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP HCM, HMPV đã được ghi nhận là tác nhân gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính phổ biến hàng thứ hai, sau RSV (virus hợp bào hô hấp) ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các phòng khám ngoại trú ở Hoa Kỳ.
Virus này cũng đã được phát hiện gây bệnh viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi tại nhiều quốc gia tiên tiến như Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc. Ngoài ra, HMPV cũng được ghi nhận tại các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan, Hồng Kông và gần đây là Trung Quốc (từ giữa tháng 12/2024).
Virus HMPV gây viêm phổi - Ảnh minh họa |
BSNT Nguyễn Thị Phương Thảo, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cảnh báo, Metapneumovirus (HMPV) là một chủng virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Trong đó, viêm phổi do Metapneumovirus là một bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Viêm phổi do Metapneumovirus là tình trạng nhu mô phổi bị viêm nhiễm, bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do sự xâm nhập và lây lan nhanh chóng của Metapneumovirus.
Trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ thống miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc viêm phổi do Metapneumovirus. Khi một trẻ nhiễm bệnh sẽ dễ lây bệnh cho người khác trong gia đình, trường học, khu vui chơi… từ đó bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Hơn nữa, khi mắc bệnh, tình trạng bệnh có nguy cơ xuất hiện biến chứng cao hơn.
Dấu hiệu viêm phổi do HMPV: Sốt, ho, chảy nước mũi, khó thở...
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi do Metapneumovirus thường sẽ có biểu hiện sau khoảng 3-5 ngày kể từ khi bị nhiễm virus gây bệnh. Các triệu chứng ban đầu thường diễn ra ở mức độ nhẹ, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như: Ho; Chảy nước mũi; Sốt.
Sau đó, bệnh bắt đầu trở nên tồi tệ hơn sau một vài ngày với các triệu chứng như: Sốt cao; Khó thở, thở khò khè; Ho nặng, có đờm đặc; Da, môi tím tái; Suy hô hấp....
Nhất biết sớm các dấu hiệu nặng để điều trị kịp thời
BSNT Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, HMPV được lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn có chứa virus gây bệnh trong không khí được người bệnh giải phóng ra khỏi cơ thể khi giao tiếp, ho, hắt hơi,… Một số ít trường hợp, bệnh nhân bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus gây bệnh nhưng tay nắm cửa, đồ chơi, đồ dùng cá nhân,…
Chủng virus này có thể gây viêm đường hô hấp cấp trên và dưới ở mọi lứa tuổi. HMPV ít phổ biến và thường không gây diễn tiến nặng. Tuy nhiên, tại miền Bắc nước ta, giai đoạn chuyển mùa đông và đầu mùa xuân thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm trong không khí cao tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp như RSV, phế cầu, cúm, Hib, Metapneumovirus… phát triển mạnh, từ đó làm gia tăng số ca mắc bệnh.
Khi đồng nhiễm Metapneumovirus cùng các vi khuẩn, virus khác thì nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, gây biến chứng sẽ tăng cao.
Virus HMPV gây viêm phổi đang bùng phát tại Trung Quốc - Ảnh minh họa |
BS Bùi Thanh Phong cảnh báo, nhiễm trùng virus HMPV dẫn đến các triệu chứng ban đầu ở đường hô hấp trên và nguy cơ diễn tiến nặng gây ảnh hưởng cả đường hô hấp dưới, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, cần nhận biết sớm:
Triệu chứng nhẹ: Trong hầu hết các trường hợp, virus HMPV thường gây ra các triệu chứng nhẹ tương tự như khi bị cảm lạnh thông thường, cụ thể như ho, sốt, nghẹt mũi, đau họng, thở khò khè, khó thở nhẹ, đôi khi phát ban đỏ… thậm chí có trường hợp không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Khi bị nhiễm virus HMPV nhẹ, người bệnh có khả năng hồi phục dần trong ít ngày (thường là 2 – 5 ngày) mà không cần can thiệp điều trị y tế hay nhập viện.
Triệu chứng nặng: HMPV không phải lúc nào cũng vô hại. Trong một số trường hợp nhất định, loại virus này có thể “leo thang” và gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng như viêm phổi hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý nền đã có sẵn, chẳng hạn như hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm trẻ nhỏ, người già và những cá nhân có hệ miễn dịch suy giảm hoặc bệnh phổi mạn tính.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết, nhiễm virus HMPV có nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng, ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp tính, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…
Một số dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bị viêm đường hô hấp dưới, bao gồm: Sốt cao, khò khè, ho có đờm đặc, khó thở, da tím tái, suy hô hấp… Nếu triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần hoặc ngày càng trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được can thiệp điều trị kịp thời.
HMPV có khả năng tấn công hệ hô hấp trên và dưới, gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng và thường nặng hơn khi xuất hiện trên nền bệnh lý có sẵn:
Viêm phế quản và viêm phổi: Một trong những biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất khi nhiễm HMPV là tình trạng viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Đây là kết quả của phản ứng viêm mạnh mẽ trong đường hô hấp dưới do virus gây ra. Bệnh nhân khi mắc các biến chứng này thường xuất hiện hàng loạt triệu chứng như ho kéo dài, sốt cao, khó thở, thở khò khè, và trong nhiều trường hợp, mức oxy trong máu giảm nghiêm trọng (thiếu oxy).
Viêm phổi do HMPV thường có mức độ phức tạp hơn ở những bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền như bệnh tim hoặc bệnh phổi mạn tính. Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh hoặc trẻ sinh non, viêm tiểu phế quản do nhiễm HMPV có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm suy hô hấp cấp tính. Ở người cao tuổi và đối tượng suy giảm miễn dịch, các trường hợp viêm phổi do HMPV thường diễn biến nặng hơn, dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết hoặc tổn thương phổi không thể hồi phục.
Hen suyễn hoặc COPD bùng phát: Một trong những tác động đặc biệt của HMPV là khả năng tác động tiêu cực đến các bệnh lý nền liên quan đến hô hấp, đặc biệt là hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Ở trẻ nhỏ mắc hen suyễn, HMPV được xem như một trong những yếu tố kích hoạt chính gây bùng phát các đợt cấp tính. Virus gây ra tình trạng viêm mạnh ở đường thở, làm tăng khả năng co thắt phế quản và khó thở – những biểu hiện điển hình của hen suyễn. Tương tự, ở người lớn bị COPD, HMPV đóng vai trò là yếu tố nguy cơ làm bệnh trở nặng, với đặc trưng là các đợt cấp COPD nặng nề dẫn đến khó thở nghiêm trọng và nguy cơ cao phải nhập viện.
Đáng chú ý, các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng bệnh nhân mắc COPD có tỷ lệ nhiễm HMPV cao hơn đáng kể so với người khỏe mạnh. Một lý do được đưa ra là sự suy giảm hệ miễn dịch cục bộ ở phổi trong COPD tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập và phát triển, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh lý nền.
Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa): Virus HMPV không chỉ gây bệnh ở đường hô hấp mà còn liên quan đến nhiều bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như viêm tai giữa. Trong một nghiên cứu, khoảng 50% trẻ em bị nhiễm HMPV được chẩn đoán kèm theo viêm tai giữa, tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Viêm tai giữa thường xảy ra do sự lan rộng của nhiễm trùng từ đường hô hấp trên qua vòi nhĩ (Eustachian tube) đến tai giữa, dẫn đến tình trạng sưng viêm và tích tụ dịch trong khoang tai.
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ nhỏ bao gồm đau tai, sốt, quấy khóc, mất ngủ… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, viêm tai giữa có thể diễn biến âm thầm nhưng gây ra hậu quả lâu dài như giảm thính lực nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thêm vào đó, một nghiên cứu khác cho biết khoảng 8% trẻ đến bệnh viện với triệu chứng thở khò khè được phát hiện mắc nhiễm trùng HMPV. Điều này tiếp tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa virus HMPV và biến chứng viêm tai giữa trong các trường hợp bệnh lý đa dạng ở trẻ em.
Biến chứng viêm phổi do HMPV
Điều đáng lo ngại là hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như thuốc kháng virus điều trị nhiễm HMPV. Hầu hết các trường hợp điều trị đều tập trung vào thuyên giảm triệu chứng cho đến khi cơ thể cảm thấy khỏe lên và hồi phục hoàn toàn.
Người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng thông qua việc uống nhiều nước và dùng thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, thuốc thông mũi… theo tư vấn của bác sĩ.
Trong trường hợp biểu hiện nặng, người bệnh cần được can thiệp y tế và nhập viện để được điều trị . Tại đây, bác sĩ sẽ theo dõi chuyên sâu và thực hiện các phương án phù hợp để ngăn ngừa bệnh trở nặng và các biến chứng nghiêm trọng. Một số biện pháp có thể được chỉ định điều trị ở giai đoạn này, bao gồm:
Liệu pháp oxy trong trường hợp bệnh nhân khó thở, bác sĩ sẽ cung cấp oxy thông qua ống thở hoặc mặt nạ khí cho bệnh nhân;
Truyền dịch tĩnh mạch: Truyền trực tiếp vào tĩnh mạch (IV) giúp cung cấp đủ nước;
Sử dụng corticosteroid (steroid giảm viêm và làm giảm một số triệu chứng).
Cần lưu ý, kháng sinh không được dùng trong điều trị HMPV, vì kháng sinh chỉ định trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên sẽ không có tác dụng. Tuy nhiên, các bệnh nhân bị viêm phổi do HMPV bội nhiễm vi khuẩn (nhiễm trùng thứ phát), bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn kháng sinh để điều trị hiệu quả.
Viêm phổi do Metapneumovirus nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài dẫn đến đồng nhiễm vi khuẩn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Nhiễm trùng huyết: xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu từ phổi, lan rộng ra đến các cơ quan khác. Tình trạng này có thể gây suy nội tạng nếu không được phát hiện và hỗ trợ điều trị sớm.
Suy hô hấp: thường xảy ra khi bệnh nhân bị viêm phổi nặng. Bệnh nhân cần được hỗ trợ thở máy cho đến khi phổi lành lại.
Tràn dịch màng phổi: xảy ra khi chất lỏng tích tụ bên trong không gian giữa lớp mô lót phổi và khoang ngực gây khó thở. Khi gặp biến chứng này, bệnh nhân có thể cần được chọc hút hoặc dẫn lưu dịch khẩn cấp.
Áp xe phổi: xảy ra khi mủ hình thành trong một khoang của phổi. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của biến chứng, bệnh nhân bị áp xe phổi có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, phẫu thuật hoặc dẫn lưu bằng kim hoặc ống dài.
Phòng ngừa viêm phổi do HMPV
Hiện nay, HMPV chưa có vacxin phòng ngừa, tuy nhiên chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau:
Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất và uống đủ nước mỗi ngày;
Đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng;
Hạn chế đến những nơi đông người khi dịch bệnh bùng phát;
Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc các bệnh về đường hô hấp;
Xây dựng thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn khử khuẩn;
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn;
Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ;
Thường xuyên khử khuẩn môi trường sống;
Không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá;
Hạn chế dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác;
Tiêm vacxin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế;
Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao;
Thực hiện phương pháp điều trị dự phòng khi có dấu hiệu viêm phổi và đến bệnh viện ngay khi bệnh trở nặng, nghi ngờ viêm phổi.