Tan máu cấp nặng do ăn thịt bò khô

Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi bị tan máu cấp nặng, đe dọa tính mạng. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ một món ăn được nhiều người yêu thích: thịt bò khô tự làm có sử dụng 1 loại phẩm màu đi mua không rõ nguồn gốc.
thịt bò khô

Thăm khám cho bệnh nhi tại BV Bạch Mai.

Nguy kịch sau 2 ngày ăn

Ngày 19/1/2018, Khoa Nhi có tiếp nhận bệnh nhân Dư Gia H. (8 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) vào viện trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm thấy đây là trường hợp cơn tan máu điển hình. Sàng lọc tất cả các nguyên nhân tan máu cho thấy nghi ngờ tan máu do nhiễm độc.

Khai thác tiền sử thấy trẻ không có gì đặc biệt: Gần đây trẻ không đi đâu xa, không dùng thuốc gì, gia đình không có tiền sử bệnh lý gì, xung quanh không có dịch bệnh đặc biệt. Tuy nhiên có 1 chi tiết đáng lưu ý là theo lời kể của người nhà, trước đó 3 ngày trẻ đã ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc.

Sau ăn thịt bò khô 1 ngày, trẻ xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sốt nhẹ, rét run, ăn uống kém, thỉnh thoảng kêu đau đầu. Đến ngày thứ 2, trẻ đi tiểu màu đỏ, da nhợt nhạt, nôn nhiều. Mẹ bệnh nhi đã tự ra hiệu thuốc mua men tiêu hóa và oresol cho con uống nhưng tình trạng ngày càng tăng nặng nên đã cho con vào viện. Trong gia đình có 1 chị họ cũng ăn thịt bò khô này và cũng bị đi tiểu đỏ, tuy nhiên tình trạng nhẹ hơn.

Với chẩn đoán: Thiếu máu nặng do tan máu cấp trẻ nhanh chóng được cấp cứu hồi sức, truyền máu, điều trị tích cực. Sau hai ngày điều trị với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các thầy thuốc khoa Nhi, BV Bạch Mai, hiện tình trạng của bệnh nhi đã ổn định và qua cơn nguy kịch. Bệnh nhi đã có thể tự thở, tự chơi, da niêm mạc hồng lên, nước tiểu màu vàng chứng tỏ tình trạng tan máu đã hết. Sau một tuần điều trị, bệnh nhi đã được xuất viện trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc. Tuy nhiên bệnh nhi vẫn cần được theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.

Nên cho trẻ ăn đồ tươi

BS Lê Thị Lan Anh – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt. Tết nguyên đán sắp đến cũng là thời điểm mà các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa gia tăng. Đặc biệt với trẻ em, rất nhạy cảm với những thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí rất dễ bị ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo cha mẹ nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không sử dụng đồ đông lạnh quá lâu. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu.

Khâu chế biến thực phẩm đặc biệt quan trọng, đảm bảo chế biến đồ ăn cho trẻ đã chín, không cho trẻ ăn thức ăn còn tái. Chú ý vệ sinh trước khi tiếp xúc với trẻ, rửa tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn cũng như lúc cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn, đặc biệt lưu ý không dùng các sản phẩm tạo màu không rõ nguồn gốc an toàn.

Khi có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời, không chủ quan để ở nhà theo dõi và tự ý cho trẻ dùng thuốc khiến tình trạng bệnh tăng nặng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top