Hỏi: Cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau vừa tiêu huỷ gần 100 kg hải sâm dừa theo quy định của pháp luật. Vì sao lại phải tiêu hủy loài hải sâm này?
Lê Hùng Anh (Hà Nội)
GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Hải sâm dừa hay còn gọi là Đồn đột dừa hay còn gọi là con banh lông là loài thuộc ngành Động vật da gai. Đây là loài sinh vật biển có hình dạng như trái banh nhỏ sống vùi sâu dưới bùn đáy biển. Hải sâm dừa có da nhám và độ nhớt cao, cũng giống như các loài hải sâm khác, hải sâm biển sống ở đại dương, vùng biển sâu, một số vùi mình sâu 20–40 cm dưới bùn cát khi nhiệt độ nước biển tăng.
Tại các tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc thì hải sâm dừa trước đây vốn là loài không có giá trị kinh tế, chưa từng được ngư dân quan tâm đánh bắt đồng thời không nằm trong Danh mục những đối tượng bị cấm khai thác theo quy định của pháp luật hiện hành. Do thương lái Trung Quốc thu mua giá cao nên nhiều ngư dân đầu tư kinh phí sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ khai thác.
Để đánh bắt hải sâm dừa, ngư dân sử dụng lồng sắt gắn bàn cào như chiếc lược cày xới nền đáy biển, việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến bề mặt đáy biển là rất lớn và hậu quả có thể dẫn đến việc xới nát đáy biển. Nhiều loại cá trở nên khan hiếm vì mất chỗ cư ngụ, sinh sản, toàn bộ hệ sinh thái tầng đáy bùn dưới biển sẽ bị phá hủy, bùn bị khuấy lên sẽ theo các dòng hải lưu trôi tấp vào các rạn san hô làm biến dạng môi trường sinh thái của hàng ngàn loài sinh vật biển khác. Vì thế, loài hải sâm dừa đang bị cấm đánh bắt, khi bắt được thì phải tiêu hủy.
Bảo Châu