Sản phụ sinh con nặng 3,2 kg ở tuổi 51

Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 354 (Hà Nội) đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ sinh con nặng 3,2 kg, ở tuổi 51.

Ngày 7/4, trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, chủ nhiệm khoa phụ sản Bệnh viện 354 thông tin về một sản phụ đặc biệt, đã mang thai và sinh con ở tuổi 51, sản phụ này mang thai hoàn toàn tự nhiên và sinh thường một bé gái nặng 3,2kg.

Theo lời kể của sản phụ, hơn một năm trước nhận thấy không có kinh nguyệt, người phụ nữ nghĩ mình đã mãn kinh, cho đến khi thấy trong bụng như có em bé đạp mới đi siêu âm và được bác sĩ thông báo tin bất ngờ: Mang thai ở tuần 22.

Sản phụ đã mang thai tự nhiên và sinh con ở tuổi 51 - Ảnh: VTC News

Sản phụ đã mang thai tự nhiên và sinh con ở tuổi 51 - Ảnh: VTC News

Sau khi gia đình bàn bạc và suy nghĩ, sản phụ định bỏ thai vì tuổi đã cao, cháu nội đã lớn và xấu hổ với mọi người xung quanh khi sinh con ở tuổi này.

"Trước quyết định của gia đình, tôi đã tư vấn trực tiếp cho sản phụ và người nhà rằng đây là "lộc trời cho", em bé qua theo dõi thì không có bất thường gì. May mắn, sau đó gia đình đã nghe lời khuyên của bác sĩ, dù biết rằng mang thai ở độ tuổi này sẽ gặp nhiều khó khăn", bác sĩ Phương cho hay.

Theo bác sĩ Phương, trong thai kỳ cho sản phụ, các bác sĩ tại khoa phải theo dõi sát sao các chỉ số của cả mẹ và thai nhi, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng cũng như các dị tật thai nhi. May mắn mọi thứ đều ổn định và sản phụ sinh con đúng theo dự kiến.

Bác sĩ Phương thông tin, đây là sản phụ cao tuổi nhất sinh tại khoa, trước đó kỷ lục cao tuổi thuộc về một sản phụ sinh con ở tuổi 47.

VietNamnet dẫn lời bác sĩ Phương cho biết thêm, có 2 thời kỳ phụ nữ thường chủ quan "khó mang thai", đó là giai đoạn sau sinh, đang cho con bú và tiền mãn kinh. Theo bác sĩ Phương, phụ nữ nếu có quan hệ tình dục, gặp tình trạng trễ kinh 1 tháng, nên thử thai ngay, tránh các tình huống nguy hiểm khi chửa ngoài tử cung, bởi tuổi tiền mãn kinh vẫn có thể có thai bình thường.

Theo các chuyên gia, khi tuổi của thai phụ càng lớn, các nguy cơ gặp phải trong thai kỳ cũng tăng theo, như tiền sản giật, rau tiền đạo, tiểu đường thai kỳ, dọa sảy, sảy thai... Thai nhi cũng có nguy cơ gặp nhiều rủi ro hơn.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top