Rượu táo mèo không hỗ trợ nhiều cho tiêu hóa

Táo mèo thường được biết đến như một loại quả ngâm rượu uống ngày Tết với hương vị thơm, ngọt… Các chuyên gia cho rằng, việc dùng rượu táo mèo không có tác dụng nhiều về hỗ trợ tiêu hóa. Táo mèo chỉ có tác dụng như một loại trà uống giúp tốt cho hệ tiêu hóa, giảm mỡ máu, giảm béo.

Rượu táo mèo không kích thích tiêu hóa

Theo ThS Ngô Đức Phương, nguyên cán bộ Khoa Tài nguyên – Dược liệu, Viện Dược liệu, táo mèo là loài quả có tính ngọt, chua, chát. Từ những đặc điểm này nên táo mèo được sử dụng nhiều để ngâm rượu uống. Nhưng bên cạnh đó, táo mèo còn là vị thuốc có tác dụng trong hỗ trợ chữa tiêu hóa, đại tràng. Bởi chính vị chua nên tác động giúp kích thích ăn uống ngon miệng, dễ tiêu hóa các thực phẩm từ đó ngăn được tình trạng đầy bụng.

Ngoài ra, cũng do có vị chát nên táo mèo còn được dùng để cầm tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa khi ăn uống phải thực phẩm không đảm bảo an toàn. Bởi chính vị chát này giúp niêm mạc ruột se lại, đồng thời diệt khuẩn có hại… Ngoài ra, hiều gia đình có con nhỏ thường ngâm một bình táo mèo và mật ong để cho trẻ uống vào mùa đông giúp giảm ho, viêm họng cũng như ấm bụng đỡ bị tiêu chảy.

Còn TS.BS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội cho biết, táo mèo chính là sơn tra trong các bài thuốc Đông y nhằm điều trị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, sơn tra còn giúp giảm mỡ máu, giảm béo, tốt cho sức khoẻ.

Theo các chuyên gia, táo mèo được sử dụng rộng rãi như ngâm rượu, làm vị thuốc, làm trà uống. Đặc biệt, ngày Tết, chúng ta hay có thói quen ăn uống thất thường, ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đường ngọt… dẫn đến tình trạng đầy hơi, trướng bụng, tiêu hóa kém như táo bón hoặc tiêu chảy. Vì thế, sử dụng táo mèo rất hiệu quả. Thế nhưng, việc dùng rượu táo mèo không có tác dụng nhiều về hỗ trợ tiêu hóa. Bởi để hiệu quả cần có hàm lượng nhất định. Nếu dùng rượu táo mèo phải uống nhiều, điều này vô hình trung gây ảnh hưởng sức khoẻ do nồng độ cồn của rượu.

Thay vào đó, người có cơ địa hay rối loạn tiêu hóa có thể tham khảo các chuyên gia Đông y để dùng bài thuốc có vị táo mèo. Hoặc dùng táo mèo làm trà hãm uống hằng ngày. Làm được điều này, táo mèo vừa hỗ trợ tiêu hóa, vừa tiêu mỡ, giảm béo, tốt cho người béo phì, người bị tiểu đường, mỡ máu…

Cụ thể, TS.BS Nguyễn Hồng Siêm chỉ cách, quả táo mèo thái mỏng, phơi khô sau đó hãm trà uống. Nhưng vì táo mèo có tính hơi lạnh nên khi uống nên cho thêm vài lát gừng khô để cân bằng. Đồng thời, cũng có thể tán bột táo mèo để pha nước ấm uống hằng ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu uống hằng ngày mà thấy có dấu hiệu táo bón cần dừng ngay lại. Bởi táo bón sẽ khiến cơ thể không thải các chất độc ra ngoài, vì thế gây ảnh hưởng trở lại cho sức khoẻ.

Hà Linh

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top