Cây đại bi nhiều tác dụng trị bệnh.
Trong lá đại bi có khoảng 0,2 – 1,9% tinh dầu và chất băng phiến. Lá đại bi thường được nhân dân ta dùng chữa cảm sốt, cảm cúm, làm cho ra mồ hôi, chữa ho, trừ đờm, đầy bụng, không tiêu, đau bụng.
Đại bi có vị cay, hơi lạnh, không độc, có tác dụng thông các khiếu, tán uất hỏa, tan màng mắt, sáng mắt, chữa đau bụng, ngực, ho lâu ngày, cảm gió, cấm khẩu. Nhưng không được uống với rượu làm cho thuốc dẫn mau quá có thể gây ngộ độc.
Đại bi hay dùng nhất dưới dạng thuốc xông chữa bị cảm, mồ hôi không ra được, dùng một nắm lá đại bi khô, một nắm lá bưởi, một nắm lá chanh, lá sả tất cả cho vào nồi nước đun sôi.
Bệnh nhân ngồi trên giường, trước mặt đặt chậu nước nói trên, trong nồi để đôi đũa để bệnh nhân vừa xông vừa khuấy cho đều. Dùng chăn chùm kín cả chậu nước và người, hơi nước có các chất thơm bốc lên làm bệnh nhân ra mồ hôi, làm như vậy một, hai lần mỗi ngày cho đến lúc khỏi. Bệnh nhân cần ngồi nơi kín gió vì sau khi xông xong ra nhiều mồ hôi dễ bị cảm lạnh.
Nước sắc lá đại bi uống để chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, hay ho dùng ngày khoảng 20 lá tươi sắc. Một số đơn thuốc có dùng đại bi như sau:
Chữa viêm cổ họng, amidan mạn tính: Đại bi, phèn chua khô, hoàng bá đốt thành than, đăng tâm thảo đốt thành than rồi tán nhỏ mỗi lần dùng 3g thổi vào cổ họng. Đây là bài thuốc dân gian.
Lương y Phan Thị Thạnh
(Hội Đông y TP Vũng Tàu)