Lạm dụng nước giải nhiệt dễ rối loạn tiêu hóa

Việc nấu các loại cây lá như rau má, mã đề, lá vối… để uống giải nhiệt ngày hè được không ít gia đình áp dụng. Tuy nhiên, nước giải nhiệt dễ rối loạn tiêu hóa.

Nê trệ, tiêu chảy vì nước giải nhiệt

Bà Vũ Thị Dần (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn là người ưa sử dụng các loại cây như rau má, mã đề… để nấu nước uống mùa hè. Các năm trước bà thỉnh thoảng mới nấu một ấm cho cả nhà dùng, nhưng năm nay do các loại này bán nhiều, có sẵn nên ngày nào bà cũng nấu dùng.

Nhưng sau một tháng, các thành viên trong gia đình đều có chung cảm nhận là ai cũng trông béo lên, nhưng lại có cảm giác nặng nề, nhất là mọi người thường bị tiêu chảy. Sau khi thăm khám bác sĩ Đông y, gia đình bà mới hay là do nước giải nhiệt gây nên tình trạng ứ trệ.

Theo TS.BS Vũ Minh Hoàn, Phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội, các loại cây lá như rau má, mã đề… dù là cây cỏ quanh nhà nhưng trong Đông y là thuốc với công dụng thanh nhiệt, giải khát hay còn gọi là có tình hàn.

Vì thế, việc sử dụng cũng cần có liệu trình, nếu lạm dụng sử dụng lâu dài có thể dẫn đến tình trạng nê trệ, rối loạn tiêu hóa.

Cụ thể, vị chuyên gia này phân tích, cơ thể con người có bệnh tật là do sự mất cân bằng âm dương. Khi cơ thể nhiệt dùng nước mang tính chất hàn sẽ giúp cân bằng lại.

Hoặc khi khát, uống nước mát vào sẽ tiêu khát. Nhưng nếu uống quá nhiều hoặc quá lâu lại dẫn đến tình trạng ngược lại là cơ thể bị hàn.

“Nếu dùng nhiều các loại nước này có thể dẫn đến tình trạng nê trê với các biểu hiện như ứ nước trong cơ thể, cảm giác cơ thể nặng nề, đầy bụng, cơ thể uể oải… Nhất là tình trạng rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng diễn ra trường diễn. Nếu cứ duy trì thế này mà không phát hiện ra có thể làm hỏng đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng..”, TS.BS Vũ Minh Hoàn nhấn mạnh.

“Khi uống các loại nước rau má, mã đề thì uống tươi sẽ tốt nhất do không chỉ cho hàm lượng chất có trong đó cao mà còn giữ được vitamin, khoáng chất so với lá đã phơi sấy khô. Nhưng khi dùng tươi thì cần rửa sạch, để khô rồi mới xay lọc nước uống”, TS.BS Vũ Minh Hoàn.

Chưa có nghiên cứu làm sẩy thai 3 tháng đầu

Trước thông tin cho rằng, nếu phụ nữ có thai mà uống các loại nước này, nhất là rau má có thể dẫn đến tình trạng sẩy thai, TS.BS Vũ Minh Hoàn cho hay, chưa có nghiên cứu khoa học về vấn đề này.

Nhưng vẫn phải nhấn mạnh rằng, rau má là vị thuốc trong Đông y nên giai đoạn thai nghén sử dụng cũng cần phải được sự tư vấn của các bác sĩ.

Ngoài ra, trong giai đoạn 3 tháng đầu không uống nước này là tốt nhất. Bởi giai đoạn này chưa phải là thời điểm nhiệt của cơ thể do quá trình mang thai, hơn nữa khi bị nghén uống nước này cũng không bổ ích nhiều.

Đối với người bình thường cần hiểu hoặc khám để biết cơ thể mình như thuộc thể hàn hay nhiệt sau đó mới dùng cho hợp lý.

Ví dụ, người thể nhiệt có thể uống kéo dài đến 2 tháng để cân bằng cơ thể. Nhưng người vốn thân hàn, việc sử dụng chỉ nên mang tính chất giải khát, tức uống hết khát rồi nghỉ. Nếu kéo dài cũng chỉ nên từ 1 – 2 tuần, không được kéo dài hơn, sau vài tuần uống lại.

Ngoài ra, với người thể hàn, nên uống loãng, không nên đậm đặc. Nếu cơ thể quá lạnh, nhất là những người huyết áp thấp có thể dẫn đến hạ huyết áp, đau bụng xoắn, thậm chí ngất…

Hiền Dung

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top