Nhàu có tên là nhàu rừng, nhàu núi, cây ngao, tên khoa học là Morinda citrifolia L., họ cà phê, thường mọc hoang từ miền Trung đến miền Nam nước ta và cũng được trồng ở nhiều nơi.
Đây là cây gỗ nhỡ, cao 6 – 8 m, cành non có 4 cạnh. Lá đơn, mọc đối, phiến lá hình bầu dục, dài 15 -30 cm, rộng 10 cm, gốc lá hình nêm, đầu là tù hoặc có mũi nhọn ngắn. Cuống lá dài 1 – 2 cm. Lá kèm nằm giữa 2 cuống lá mộc đối, hình trái xoan, cao 1 – 1,5 cm, màu xanh nhạt. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Hoa trắng hợp thành đầu, đường kính 2 – 4 cm. Quả nạc gồm nhiều quả hạch nhỏ, màu vàng lục nhạt, dính với nhau, mỗi hạch chứa 1 hạt. Hạt có phôi nhũ cứng.
Công dụng của rễ và lá nhàu như sau:
Rễ nhàu: Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng nhẹ, lợi tiểu nhẹ, hạ huyết áp, chữa nhức mỏi tay chân và đau lưng, liều 30 – 40g ngày, sắc uống. Trong dân gian còn dùng rễ nhàu để nhuộm đỏ vải lụa.
Quả nhàu cũng có tính nhuận tràng và lợi tiểu; dùng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới. Quả chấm với muối ăn để giúp tiêu hóa, nướng chín ăn chữa kiết lỵ, ho hen, cảm cúm, dùng cho người bị bệnh đái tháo đường và phù thũng.
PGS.TS Trần Công Khánh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc cổ truyền)