Nhiệt miệng là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và hay tái phát. Khi bị nhiệt miệng có thể dùng bài thuốc đơn giản sau:
Thuốc bôi: Dùng cỏ mực + rau ngót giã nát, thêm ít nước, vắt lấy nước cốt, thêm một ít mật ong, dùng bông gòn sạch thấm nước thuốc bôi vào chỗ loét.
Thuốc đắp: ngô thu du tán bột. Mỗi tối, khi đi ngủ, dùng 30 - 40g thuốc bột, cho vào một cái chén, dùng 100ml rượu hoặc giấm (dùng rượu tốt hơn), cho vào nồi, đun cho sôi, bắc xuống, từ từ đổ vào chén thuốc bột, quấy đều cho thành sền sệt. Bôi vào giữa lòng bàn chân. Dùng một miếng vải (khăn cũng được), băng lại để cho thuốc khỏi rơi văng vãi khi thuốc khô. Cứ để như vậy qua đêm, sáng ra gỡ bỏ thuốc đi. Mỗi ngày làm một lần.
Đắp thuốc như vậy đến ngày thứ 4 sẽ cảm thấy trong miệng dễ chịu.
Theo y học cổ truyền, ngô thù du vị cay, tính ôn, vào kinh can, thận, tỳ, vị. Có tác dụng giáng nghịch khí, giảm đau, ôn vị, tán hàn.
Cỏ mực, Đông y gọi là hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) vị mặn, hơi chua, tính mát... Có tác dụng làm đen tóc, mát máu, cầm máu, giải độc.
Rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt. Có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hoá ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ, có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Mật ong có tác dụng sát trùng nên khi bôi vào vết thương, nó hút nước làm cho vết thương khô, vi khuẩn bị tiêu diệt.
Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)