Điều trị nhiệt miệng

(khoahocdoisong.vn) - Viêm loét miệng, lưỡi rất dễ xảy ra và hay tái phát, nhân dân ta thường gọi là nhiệt miệng. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những vết loét tròn, nông, có màu vàng, xung quanh viền đỏ hơn niêm mạc lành xung quanh, xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, môi hoặc nướu răng.

Nguyên nhân gây loét miệng, lưỡi

Theo nhiều nghiên cứu người ta thấy, có một số yếu tố làm khởi phát bệnh hoặc làm bệnh tái phát như chấn thương niêm mạc miệng, phần lớn là do răng giả, các khung niềng răng, hoặc do cắn phải niêm mạc miệng trong lúc ăn. Do stress, lo nghĩ, làm việc nhiều. Do thay đổi hormon như sử dụng thuốc ngừa thai hoặc trong chu kỳ kinh. Với nam giới còn do hút thuốc lá. 

Và tự cơ thể hình thành dị nguyên (có một số trường hợp liên quan đến độc tố tồn tại nhiều trong máu, chức năng khử độc của gan kém), cơ thể tự sinh ra kháng thể để hóa giải chất độc, phản ứng này sinh ra ổ hoại tử, từ đó vỡ ra hình thành nên vết loét, đồng thời vết loét lại thường xuyên bị ướt do nước bọt cộng với dịch thức ăn nên rất lâu lành. Loét miệng - lưỡi còn có khi do mất cân bằng sinh học của tạp khuẩn trong miệng bao gồm các vi khuẩn ái khí, kỵ khí và nấm cộng sinh. Đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ sau đẻ rất dễ bị nhiệt miệng do yếu tố nội tiết, do bất thường miễn dịch. Với một số người, trong cơ thể thiếu hụt các chất tạo máu như sắt, axit folic, vitamin B12 cũng dễ bị nhiệt miệng.

Loét miệng, lưỡi chưa có cách điều trị dứt điểm nên mỗi người bệnh được khuyên tự mình phát hiện những yếu tố thuận lợi của bệnh để kiêng sẽ làm giảm số lần mắc bệnh. Khi bị bệnh phải đi khám để được sử dụng thuốc uống và bôi giúp vết loét mau khỏi, không lan rộng.

Các cách điều trị

Tùy theo từng nguyên nhân loét miệng - lưỡi mà có cách chữa khác nhau như dùng thuốc ức chế miễn dịch, bổ sung thêm vitamin C, PP, B6, B12, sắt; dùng thuốc kháng virus... Các thuốc bôi trực tiếp lên tổn thương như nitrate bạc, thuốc làm bớt đau ngay sau khi bôi và lành thương tổn trong vòng 3 - 5 ngày. Dùng kem bôi trong thành phần có triamcinolone acetonide, hoặc amlexanox (aphthasol), gel 2% lidocaine. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%, không nên súc miệng với nước muối tự pha quá mặn sẽ tăng kích thích đau nhiều hơn. Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm loét miệng thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch chlohexidine 0,12% cũng là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương.

Để trị nhiệt miệng bằng Đông y, tốt nhất ngậm các chất chát trong miệng vì chất chát có tính sát trùng và làm săn da. Có thể ngậm nước trà tươi, trà đen đặc, quả sung, rau dấp cá, húng chanh, vỏ xoài… có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, làm săn da, trừ thấp nhiệt, khử mùi hôi.

Có thể lấy lá cỏ mực rửa sạch,  giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần. Cỏ mực tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, kết hợp với mật ong sẽ nâng cao tính sát trùng, tính thẩm thấu, hút chất nước ở vết thương khiến cho vi khuẩn, nhất là nấm không có điều kiện phát triển.

Trong quá trình trị bệnh nên bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. Nên uống 2l nước/ngày, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin A, B, C có trong các loại rau, củ quả. Nên vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách tránh gây tổn thương cho vùng niêm mạc miệng. Nên ăn các loại canh có tính hàn và mát, tránh thức quá khuya và ăn nhiều đồ cay nóng.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top