Canh rau cần và óc lợn. Óc lợn một bộ, rau cần 100g, đậu đỏ 10 quả, gia vị, hạt tiêu. óc lợn rửa sạch ướp gia vị, hạt tiêu 15 phút. Rau cần rửa sạch, nhặt hết rễ, cắt ngắn vừa ăn. Táo tàu đã phơi sấy khô, cho táo vào nồi đun sôi lên cho óc lợn vào, khi gần chín cho rau cần, sôi lên là được. Nêm gia vị vừa ăn, ăn nóng với cơm trắng, ăn liền mấy ngày. Món canh này có tác dụng dưỡng lão, an thần, thanh nhiệt, mát huyết, bổ tâm tỳ, chống phiền muộn và hết táo bón.
Canh bí đao tôm nõn. Bí đao 200g, tôm nõn khô 20g, hành tươi, gia vị. Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Tôm nõn rửa qua, ngâm nước ấm cho mềm, giã nhỏ, cho tôm vào đun sôi nước 15 phút cho ngọt nước, cho bí vào đun tiếp, khi bí chín nêm gia vị vừa đủ, cho hành vào bắc ra ăn nóng trong bữa cơm. Món ăn này rất mát, tác dụng tốt cho người bị nóng trong, sinh nội nhiệt, phát ra những vết loét chợt da gây xót. Những người táo bón, trĩ nội dùng đều có hiệu quả.
Rau má. Theo Đông y, rau má là vị thuốc mát, có vị ngọt đắng, tính bình, không độc, có tác dụng giải nhiệt, thải độc, thông tiểu, lợi sữa và chữa nhiệt miệng, viêm lợi. Các món ăn có rau má sau đây:
-Rau má ăn sống: Rửa rau má sạch, nhặt hết rễ con, ngâm nước muối, vẩy ráo nước, ăn như các loại rau ghém chấm nước tương
-Rau má luộc: Rau má rửa sạch, luộc như các loại rau khác, chấm nước mắm ăn hằng ngày.
-Rau má trộn nộm: Rau má luộc chín tới, hòa nước chấm chua cay, mặn ngọt, trộn vào thành món nộm. Cho thêm lạc rang giã nhỏ. Có thể ăn kéo dài hàng tuần, khi nào hết nhiệt miệng thì dừng.
-Rau má ép nước: Rau má hái lúc ra hoa, không phơi, rửa sạch ráo nước, cho vào xay sinh tố, uống nước hằng ngày.
-Rau má uống: Rau má rửa sạch, phơi khô, đun sôi uống hằng ngày.
-Canh rau má với thịt nạc: Rau má rửa sạch, thịt nạc tùy số người ăn, có thể để miếng thái, có thể xay nhỏ. Đun chín thịt, cho rau vào, nêm gia vị, ăn hằng ngày.
BS Kim Ngân (Viện Châm cứu T.Ư)