Quyền được chết có nên được áp dụng?

Lời trăng trối của tiến sĩ
Quyền được chết

Nhà khoa học già nhất Australia TS David Goodall đã chọn cái chết êm ái.

Giác ngộ để đi tới cảnh giới cao hơn

Bàn về sự ra đi thanh thản của nhà khoa học già nhất Australia David Goodall khi ông tự mở van cho dung dịch thuốc Nembutal truyền vào cơ thể qua ống tiêm đặt nơi cánh tay, bên cạnh gia đình trong giai điệu bản Giao hưởng số 9 của Beethoven, TS Vũ Thế Khanh (80 tuổi, tổng giám đốc Liên hiệp khoa học ứng dụng UIA) cho rằng: đó là một sự viên mãn.

Theo ông Khanh, nên tạo cho con người ta có quyền được chết một cách vui vẻ và thanh thản nếu người đó có cảm giác không còn ích lợi cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội.

Đặc biệt là những người già ốm đau, bệnh tật họ sống trong đau đớn, khổ sở họ muốn chết từ từ mà được giải thoát một cách nhẹ nhàng, êm ái. Ngay cả đối với tử tù xã hội cũng nhân đạo cho họ cái chết “viên đạn an ủi” không để cho họ chết đau đớn, quằn quại.

Nghĩa là không muốn để cho người ta sống mà ngày càng đau khổ. Do đó, ủng hộ cho quyền được chết cũng là chính đáng.

Có điều quyền này phải phù hợp ở mọi khía cạnh về đạo đức và pháp lý. Tức là người đó không còn ích lợi gì, họ mong muốn được chết trong trạng thái khỏe mạnh bình thường về mặt tinh thần chứ nếu người đó có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không còn minh mẫn để quyết định (thần kinh, tâm thần) họ muốn tử tử để chết thì mình lại phải cứu người ta.

Đặc biệt về mặt pháp lý họ không có liên quan đến nợ nần, vướng bận hay tranh chấp… Khi người ta trong trạng thái tinh thần minh mẫn, không bị ép buộc hay vì lý do khác của họ thì nên ủng hộ để họ thỏa mãn nguyện vọng.

Họ phải xác định an nhiên tự tại “ra đi”. Tòa án, có trách nhiệm làm đủ các thủ tục pháp lý cho họ tránh cho họ bị o bế, ép buộc hoặc còn vướng mắc với gia đình, xã hội.

Xét về yếu tố tâm linh, theo TS Vũ Thế Khanh, trong cơ thể sinh học con người, tồn tại ít nhất là 2 thành tố cơ bản: đó là phần xác thân hữu hình và phần tinh thần “thần thức” dạng vô hình. Phần xác chỉ là thân xác để gửi, phần hồn mới là chính. Cho nên khi thân xác không còn tốt thì nên giải thoát để phần hồn có một nơi mới tốt đẹp hơn.

Từ xa xưa đến nay thế giới đã ghi nhận không chỉ các thiền sư tự chọn ngày giờ đi cho mình bằng cách ngồi thiền và viên tịch mà cho tới nay khoa học chưa giải thích được.

Thân thể của nhiều người trở thành tượng lưu giữ cả ngàn năm. Do đó, nếu có nhận thức đúng đắn về sinh mệnh và nắm được rõ phật pháp thì có thể phá tan màn sương mù về cái chết, có thể vượt qua giới hạn của thời gian, không gian, an nhiên đối diện cái chết, đó cũng là một sự giác ngộ.

Nhà khoa học già nhất Australia TS David Goodall đã chọn cái chết êm ái bằng một mũi tiêm (Ảnh có tính chất minh họa).

Cố gắng điều trị mang lại sự sống

GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên, nguyên Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, năm nay ông 78 tuổi nhưng vẫn thăm khám bệnh cho nhiều bệnh nhân.

Ông cho hay, nước ta không có luật được chết hay luật được chết trong êm ái như Thụy Sĩ.

Vị bác sĩ phân tích, có nhiều bệnh nhân của ông ốm nặng nằm liệt giường hoặc điều trị đến tán gia bại sản, hay ngoài xã hội có những người vỡ nợ, thất tình đến đau khổ… đã nghĩ đến cái chết hoặc phải chết.

Nhưng đó không phải mong muốn thực sự của họ.

Trong sâu thẳm của những người này, họ luôn khao khát được chữa bệnh, được cứu rỗi, được yêu thương để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hơn nữa, ai cũng biết, cuộc sống rất đáng quý.

Vì thế, các bác sĩ hay người thân, xã hội luôn cố gắng điều trị, giang tay an ủi, chia sẻ những người khó khăn, khổ sở.

“Việc không có luật được chết là tạo điều kiện cho tất cả được sống, có thể lúc này họ đau khổ nhưng qua giai đoạn đó cuộc sống vẫn có thể tươi đẹp. Chỉ đến khi họ không thể sống thì mới chết một cách tự nhiên.

Hoặc bất đắc dĩ, họ chỉ có cách tự chết, kiểu tự tự chứ không ai có thể giúp họ chết. Bất cứ ai giúp một người dù là được chết vẫn bị xem là vi phạm pháp luật”, vị bác sĩ già nói.

Hơn nữa, chúng ta cần nhìn nhận rằng xã hội có rất nhiều điều mà ta không ngờ, không thể kiểm soát và biết rõ, nhất là các âm mưu thâm độc.

Nếu có luật được chết dù là an tử thì nguy cơ giết hại lẫn nhau, ngụy tạo các lý do, hoàn cảnh để tiêu diệt nhau vẫn có thể xảy ra. Lúc này cái chết êm ái trở thành một tội ác. Đây là lý do ông không ủng hộ nước ta có luật này.

Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Trung Anh, Phó giám đốc Bệnh viện lão khoa Trung Ương cho hay, đây là vấn đề rất nhạy cảm ở nhiều góc độ, nhất là văn hóa nước ta vẫn là văn hóa Phương Đông không cho phép con người được làm điều đó, điều này hoàn toàn khác với văn hóa của một số nước Châu Âu.

Vì thế, nếu một ngày được thông qua luật này vẫn rất xa vời. Tuy nhiên với tư cách cá nhân ông không ủng hộ cái chết êm ái. Ông cũng chia sẻ, bố mẹ ông ốm nặng nhưng ông luôn cứu chữa đến cùng, chưa ngày nào nghĩ sẽ buông ra.

Cân nhắc có quyền nhưng không bị lạm dụng

Nhưng ở khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng luật sư Vũ Lợi thông tin, trong quá trình xây dựng Luật dân sự 2005 đã có nhiều ý kiến về việc đã có luật quyền được sống và nên bổ sung thêm Điều luật về quyền được chết.

Nhưng luật quyền được chết không được ban soạn thảo và Quốc hội chấp nhận bởi nhiều yếu tố cần cân nhắc như yếu tố nhân văn, phạm trù đạo đức, yếu tố xã hội…

Còn Hiến pháp nước ta cho công dân có quyền được hiến mô, hiến tạng… nhưng không chấp nhận quyền được chết.

Ví dụ, đối với yếu tố về nhân văn và đạo đức, văn hóa, nước ta luôn đề cao chữ hiếu đối với người thân trong gia đình.

Không ai muốn người bị bệnh lựa chọn cái chết cho bản thân thay vào đó họ muốn kéo dài sự sống được phút nào hay phút đó càng tốt, vì tình yêu thương. Đây là cách dân gian ta vẫn hay nói: Còn nước còn tát.

Nhưng trên thực tế, văn hóa này còn lớn hơn cả việc chúng ta không tính đến người bị bệnh hiểm nghèo muốn chấm dứt sự sống vì đau đớn đến tinh thần lẫn thể xác, kinh tế suy kiệt, suy nghĩ tiêu cực…

Đây là lý do, họ muốn cái chết đến sớm hơn với mình nên đã tìm đến những cách chết nhảy lầu, tự vẫn.

Vì thế, theo quan điểm cá nhân, luật sư Nguyễn Hồng Giang cho rằng, nên có quyền được chết và Quốc hội cần cân nhắc thông qua.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là các nhà làm luật nên soạn thảo thật chặt chẽ và trao quyền đó cho những người có thẩm quyền.

Hay nói cách khác, cần xây dựng quy phạm pháp luật phù hợp với mọi yếu tố có thể đã và đang xảy ra nhằm tránh lạm dụng, thanh trừng lẫn nhau…

Như người bệnh được quyền chết sớm hay muộn, khoảng thời gian nào… tất nhiên phải thông qua những cá nhân, tổ chức; thông qua việc giám định, đánh giá …

Việc người bệnh ra đi sớm khi đang phải chịu những đau đớn hay tiện định được chắc chắn sẽ chết do bệnh này sẽ giúp họ thanh thoát hơn, hạn chế những thiệt hại cho gia đình và xã hội.

Trong luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua năm 2009, không có điều, khoản nào đề cập về vấn đề “cái chết êm ái”. Về góc độ nếu nước ta muốn thực hiện điều tương tự Thụy Sĩ thì phải sửa Luật Người cao tuổi. Còn hiện nay nếu ai đó giúp người cao tuổi làm việc đó là trái với Luật, sẽ bị xử theo Luật pháp hình sự hoặc dân sự. Cũng như Tiến sĩ David Goodall, vì ở Úc không có Luật cho phép thực hiện “cái chết êm ái” vì vậy ông phải sang một nước khác để làm việc đó.

Ông Dương Việt Anh, chuyên viên Văn phòng Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi

Nga Hiền Hằng (thực hiện)

Theo Đời sống
back to top