Biến chứng chết người do vi khuẩn Shigella

Vi khuẩn Shigella có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân dễ gây nguy hiểm cho tính mạng: sa hậu môn, tắc ruột, tiêu chảy kéo dài, nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến thần kinh, tan máu urê huyết…

Vi khuẩn Shigella.

Shigella là một vi khuẩn gây bệnh chủ yếu ở đại tràng. Thông thường trong vòng 72 giờ sau khi ăn phải vi khuẩn (thời gian ủ bệnh khoảng 1 – 7 ngày, trung bình là 3 ngày), các triệu chứng lâm sàng bắt đầu xuất hiện với triệu chứng về thể trạng như khó ở và sốt, liền sau đó tiêu chảy với phân ở dạng nước và khối lượng ít với tần số khoảng 8 – 10 lượt/ngày.

Do vi khuẩn gây viêm và loét niêm mạc, các triệu chứng có thể phát triển thành kiết lỵ, phân có máu và nhầy, kèm theo cảm giác mót rặn và đau khi đi ngoài. Mức độ trầm trọng của bệnh phụ thuộc vào nhóm huyết thanh và động lực của chủng gây nhiễm: S.sonnei gây bệnh nhẹ và có thể chỉ giới hạn ở mức đi ngoài toàn nước, trong khi đó S.dysenteriae hay S.flexneri thường gây các triệu chứng kiết lỵ.

Diễn biến của bệnh phụ thuộc vào lứa tuổi. Trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong cao gấp đôi ở trẻ nhiều tuổi hơn…

Biến chứng đường ruột: liên quan đến tình trạng bệnh tật và tử vong nghiêm trọng thường xảy ra với S.dysenteriae týp 1 và S.flexneri. Viêm hậu môn và sa trực tràng có thể xảy ra, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi. Biến chứng tắc ruột xảy ra khoảng 2,5% trẻ nhập viện với các yếu tố nguy cơ như S.dysenteriae týp 1 và mắc bệnh trầm trọng, đặc biệt là số tế bào bạch cầu tăng và giảm natri huyết. Ngoài ra, phình và thủng đại tràng cũng được phát hiện trên 3% số bệnh nhân nhập viện.

Nhiễm trùng huyết: Trong một nghiên cứu với 2018 bệnh nhân mắc lỵ trực trùng, nhiễm trùng máu xảy ra với 82 bệnh nhân (4,1%) và có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong. Nguy cơ cao nhất do nhiễm trùng huyết thường ở các bệnh nhân nhỏ hơn 1 tuổi, không được nuôi bằng sữa mẹ, bị suy dinh dưỡng và không sốt. Đặc biệt, các bệnh nhân mắc AIDS, bệnh gan trầm trọng hoặc bệnh thận cũng dễ bị nhiễm trùng máu.

Phản ứng bạch cầu: được định nghĩa là số tế bào bạch cầu được đếm là hơn 50.000 trên mm3 đã được ghi nhận ở khoảng 4% bệnh nhân chủ yếu là trẻ em bị nhiễm S.dysenteriae trong độ tuổi từ 2 – 10.

Ảnh hưởng đến thần kinh: Nhiễm trùng Shigella có thể gây ra một số triệu chứng thần kinh như co giật nhưng không phải do hệ thần kinh trung ương bị nhiễm khuẩn. Những đặc điểm này thường liên quan đến sốt (sốt co giật) và những bất thường về trao đổi chất (giảm natri huyết, giảm glucose huyết). Một dạng gây tử vong đặc biệt của bệnh lỵ trực trùng là bệnh viêm não độc tố.

Hội chứng tan máu urê huyết: Dù không phổ biến nhưng đây là biến chứng nặng nhất của bệnh lỵ trực trùng, được biểu hiện bằng thiếu máu tan huyết, suy thận thiểu niệu và giảm tiểu cầu. Hội chứng này thường được ghi nhận trong vòng 1 – 5 ngày sau khi bệnh lỵ khởi phát.

Ngoài ra, nhiễm trùng Shigella cũng có thể gây viêm khớp phản ứng, làm biến đổi sự trao đổi chất gây mất nước, gây còi cọc do mất protein, mang mầm bệnh mạn tính…

GS.TSKH Phùng Đắc Cam (Viện vệ sinh dịch tễ TƯ)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top