Theo CNN, bệnh nhân giấu tên phát hiện mắc bệnh lậu vào đầu năm nay trong một lần khám sức khỏe. Tình trạng của người này đặc biệt nghiêm trọng vì vi khuẩn kháng cả hai loại kháng sinh điều trị bệnh lậu là azithromycin và ceftriaxone.
“Lần đầu tiên có người kháng thuốc mạnh mẽ đến vậy”, BS Gwenda Hughes, chuyên gia tư vấn kiêm trưởng đơn vị bệnh tình dục thuộc cơ quan Sức khỏe Công cộng Anh nói. Ngoài azithromycin và ceftriaxone, bệnh nhân còn kháng nhiều kháng sinh khác nên hiện điều trị bằng ertapenem, liều thuốc duy nhất “có vẻ có hiệu quả”. Tháng 4 tới, anh sẽ được tái khám.
Qua điều tra, đội ngũ y tế xác định người đàn ông nhiễm siêu khuẩn bệnh lậu kháng thuốc sau khi quan hệ tình dục với một phụ nữ ở Đông Nam Á. Không chỉ theo dõi sát sao bệnh nhân, các bác sĩ còn tiến hành kiểm tra sức khỏe mọi “đối tác” của anh này để đảm bảo siêu khuẩn bệnh lậu này không lây lan.
Từ lâu, các chuyên gia y tế quốc tế đã bày tỏ lo ngại về bệnh lậu và trường hợp người đàn ông Anh cho thấy nhân loại không thể tiếp tục xem thường vấn nạn này. Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo vi khuẩn lậu “đặc biệt thông minh”, luôn luôn tiến hóa để chống lại kháng sinh mới.
“Ca bệnh siêu khuẩn bệnh lậu trên xác nhận nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi rằng bệnh lậu kháng thuốc đang tấn công cả thế giới”, David Harvey, Giám đốc điều hành Liên minh Quốc gia về Bệnh tình dục (Mỹ) bày tỏ.
WHO ước tính mỗi năm toàn cầu có 78 triệu người mắc bệnh lậu. Các triệu chứng bao gồm cảm giác nóng rát khi đi tiểu và dịch tiết bất thường từ bộ phận sinh dục. Nếu không điều trị, bệnh lậu dẫn đến những hệ quả nguy hiểm như đau bụng kéo dài, viêm nhiễm vùng chậu đi kèm nguy cơ mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lậu, biện pháp tốt nhất là sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục với mọi đối tác.
Minh Nguyên
(theo VnExpress)