Quảng cáo viên sủi Lady như thuốc: Bác sĩ bị lợi dụng?

Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Lady vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.

Tăng 3-5 size vòng 1 chỉ sau vài tuần?

Thông tin ngày 12/5 từ Cục ATTP cho biết, một số trang web như https://viensuilady.com, www.viensuilady-chinghang.store, www.ladylamdepsurhamco.asia, www.ladyphunudep.com, ladyphunudep.com, ladybigfamily.online… quảng cáo TPBVSK Lady với nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo; quảng cáo không phù hợp so với giấy xác nhận nội dung đã được xác nhận.

Theo đó, TPBVSK Lady do Công ty TNHH Supharmco (địa chỉ tầng 4, DV01-LK32, khu đất dịch vụ Đìa Lão, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tại buổi làm việc với Cục ATTP, đại diện công ty là bà Phạm Thị Phương khẳng định, đơn vị này không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo TPBVSK Lady trên các trang web trên.

Cục ATTP đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành… Đơn vị này đề nghị người tiêu dùng không căn cứ nội dung quảng cáo vi phạm sai sự thật để mua và sử dụng sản phẩm.

TPBVSK viên sủi Lady bị Cục ATTP cảnh báo quảng cáo sai phạm.

TPBVSK viên sủi Lady bị Cục ATTP cảnh báo quảng cáo sai phạm.

Mặc dù vậy, đến ngày 24/5, nhiều trang mạng vẫn đăng tải thông tin về công dụng của TPBVSK Lady chưa được Cục ATTP cấp phép. Trang https://www.ladylamdepsurhamco.asia khẳng định: “Viên sủi Lady tăng size vòng ngực số 1 Việt Nam, hơn 118.000 khách hàng đã tăng vòng 1 cùng viên sủi Lady”.

Các trang www.ladyphunudep.com, viensuiladybeauty.com... quảng cáo “viên sủi Lady là sản phẩm chuyên hỗ trợ làm săn chắc vòng 1, ổn định nội tiết tố nữ, cải thiện sinh lý, đặc biệt còn góp phần phòng ngừa ung thư vú và cổ tử cung”; “viên sủi nở ngực sủi Lady khẳng định vị trí số 1 trong việc hỗ trợ tăng cường cải thiện nội tiết tố nữ, kích thích phát triển mô ngực tăng size vòng 1, nở nang săn chắc, chống lão hóa da, đẹp da.... chỉ sau 21 ngày sử dụng”.

TPBVSK quảng cáo sai phạm trên các trang web.

TPBVSK quảng cáo sai phạm trên các trang web.

Bác sĩ nói gì?

Ngoài việc quảng cáo thổi phồng công dụng của viên sủi Lady gây hiểu nhầm như thuốc trị bệnh, một số trang web còn sử dụng hình ảnh của ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) và một số bác sĩ, chuyên gia khác... để quảng cáo.

Ths.BS Nguyễn Thị Hằng giới thiệu công dụng thành phần thảo dược (được cho là có trong viên sủi Lady - PV) - hình cắt từ video

Ths.BS Nguyễn Thị Hằng giới thiệu công dụng thành phần thảo dược (được cho là có trong viên sủi Lady - PV) - hình cắt từ video

Trao đổi với Khoa học Đời sống ngày 24/5, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng nói khoảng 2 - 3 năm trước, bà phát biểu trong buổi ra mắt và chuyển giao công nghệ sản phẩm Lady tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mễ Trì, Hà Nội) với cương vị là chuyên gia khách mời y học, phân tích thành phần thảo dược trong sản phẩm.

“Tôi luôn biết quy định của ngành cho phép bác sĩ được phép và không được phép nói gì về sản phẩm. Theo quy định, bác sĩ không được phép quảng cáo, thậm chí không được cầm đến sản phẩm đó. Nếu phát biểu về các thành phần sản phẩm thì chỉ được nói ‘hỗ trợ’, chứ tuyệt đối không được nói ‘có tác dụng’, ‘điều trị’, ‘chữa trị’...”, bà Hằng cho hay.

Bác sĩ này nói thêm, theo nghiên cứu, sâm tố nữ (thành phần được cho là có trong viên sủi Lady - PV) có công dụng tăng kích thước mô mỡ và mở ống tuyến vú, liên kết các tế bào và tăng sinh collagen. Doanh nghiệp quảng cáo tăng kích thước vòng 1 là không đúng.

“Nếu lấy hình ảnh và ý kiến của tôi đưa vào mục quảng cáo và nói là tăng kích thước vòng một, ngăn ngừa ung thư vú, ung thư cổ tử cung, thì doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật”, ThS.BS Nguyễn Thị Hằng khẳng định.

“Tôi không nhớ Công ty TNHH Supharmco là đơn vị nào. Tôi cũng không được phép ký hợp đồng quảng cáo với bất kỳ công ty nào để quảng cáo bán sản phẩm TPBVSK. Tôi mong những hình ảnh của mình trên các trang web quảng cáo được tháo gỡ. Nếu không, tôi sẽ đưa đơn kiện doanh nghiệp đang sử dụng trái phép hình ảnh của mình”, bà Hằng nói./.

Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông an toàn thực phẩm nêu rõ: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong những hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn, Văn phòng Luật sư Trần Công Ly Tao (TP HCM), cho biết, khoản 15, Điều 6 Luật Dược 2016, quy định hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Theo khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, trường hợp bác sĩ trả lời thành phần thảo dược trong hội thảo chuyên môn của cơ quan y tế nhưng bị cắt ghép đưa vào quảng cáo, bác sĩ hoàn toàn có thể kiện cơ sở sao chép, lạm dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm.

Theo BS Nguyễn Duy Thế, cán bộ Khoa Nhiễm bệnh, Bệnh viện Quân Y 175, nếu bị lợi dụng tên tuổi để quảng cáo thực phẩm chức năng, bác sĩ có quyền lên tiếng hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp bảo vệ uy tín. Nhưng nếu bác sĩ trực tiếp tham gia bắt tay, quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, tìm cách “thần thánh hoá” sản phẩm, thì đây là hành vi tiếp tay cần phải lên án.

Theo Đời sống
Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận

Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận

Sỏi là các hạt cứng tồn tại trong cơ thể con người ở các vị trí khác nhau, được tạo thành từ muối, chất khoáng tồn đọng và kết tủa. Sự hiện diện của sỏi sẽ gây viêm nhiễm, đau và ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top