Phòng chữa rôm sẩy mùa hè

(khoahocdoisong.vn) - Nhiệt độ nóng làm cơ thể phải điều nhiệt bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi. Mồ hôi tiết ra quá nhiều, các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, do nhiễm khuẩn làm cho mồ hôi bị ứ đọng trong ống tuyến bài tiết mồ hôi ở da gây rôm sảy.

Giết rôm sẩy dễ nhiễm khuẩn

Rôm sảy thường thành đám, thành mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán… đôi khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn. Một số trường hợp nặng có thể bị gần như toàn thân. Thương tổn là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn.

Trẻ em rất dễ bị rôm sảy vì da trẻ nhạy cảm. Khi có rôm, trẻ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa và phản xạ là trẻ gãi làm da sây sát dễ bị bội nhiễm gây viêm nang lông, nhọt. Đôi khi người ta còn có thói quen "giết rôm" tức là làm vỡ các mụn nước. Việc này sẽ khiến trẻ thấy dễ chịu lúc đó, nhưng hậu quả có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn, thậm chí viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng. Cho nên khi trẻ ngứa ta có thể xoa nhẹ để đỡ ngứa, không nên gãi.

Tắm lá để làm mát

Nguyên tắc xử trí là cho cơ thể mát mẻ, thoáng khí, chống viêm da. Cho trẻ ở nơi thoáng mát, thông gió. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt, nơi nóng bí gió. Quần áo, tã lót dùng loại vải sợi, mỏng, rộng thoáng, thấm mồ hôi, không dùng các loại sợi tổng hợp, bí mồ hôi.

Tắm thường xuyên cho trẻ giúp cho cơ thể mát, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín. Tắm bằng thuốc tím pha loãng, sữa tắm cho trẻ, không sử dụng loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với da. Có một số loại lá, quả dùng tắm rất tốt như mướp đắng, rau má, sài đất, vỏ dưa hấu, lá đào, lá dâu, lá kinh giới... nấu hoặc giã nát hòa vào nước tắm.

Trường hợp da bị viêm nhiều, lâu khỏi cần bôi kem có corticoid nhẹ, trong kem có thể có kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tuy nhiên nên đi khám bác sĩ để được chỉ định đúng, tránh các biến chứng xảy ra và đặc biệt không nên lạm dụng thuốc. Bôi các loại mỡ, thuốc mỡ kháng sinh không những làm cho da bị bít mà còn có thể gây dị ứng. Khi có nhiễm trùng nang lông với biểu hiện các mụn mủ, mụn to cần bôi iod hữu cơ như betadin nhiều lần trong ngày.

Uống đủ nước, có thể uống nước sắn dây, nước sài đất, đỗ đen, cam, chanh… Hạn chế các loại nước có nhiều đường. Ăn đủ vitamin. Ngoài ra, có thể dùng các bài thuốc Đông y để trị:

Bài 1: Dùng 20g lá sài đất, 30g lá ngải cứu, 50g lá nhài. Tất cả rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống ngày 1 thang. Chia uống làm 2 – 3 lần trong ngày. Uống liên tục 3 – 5 ngày sẽ đỡ.

Bài 2: Dùng 4 – 6g hoa kim ngân hoặc 10 – 12g cành, lá kim ngân rửa sạch sắc uống ngày 1 thang. Không những trị được rôm sảy mà còn chữa được chứng lên đậu, lên sởi, mụn nhọt đau nhức.

Bài 3: Dùng 60g rễ cây hẹ rửa sạch, sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần sau khi ăn 1 giờ.

Bài 4: Dùng 1 nắm rau má tươi, giã nát, cho thêm một ít nước mưa (đã đun sôi để nguội) rồi vắt lọc lấy nước, cho thêm đường, cho trẻ uống vào buổi sáng.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top