Không nên tắm lá đào cho trẻ

Trong Đông y, tắm lá là phương pháp điều trị bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng loại, đúng cách có thể làm trẻ nhỏ bị nhiễm trùng da. Đặc biệt, hiện nay, nhiều người dùng lá đào tắm cho trẻ mới sinh để trị cứt trâu, rụng lông tơ… mà khoa học chưa hề chứng minh công dụng này.

Không phải cứ thảo dược là an toàn

Sinh con gái xong, thấy người con nhiều lông, lại lắm cứt trâu nên chị Bùi Thu Huyền, thôn Trinh Hưởng, Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng được các bà tư vấn cho cháu tắm nước lá đào. Chị Huyền cũng cẩn thận đi hỏi thì thấy bảo người ta vẫn tắm nước lá đào cho trẻ bị cứt trâu. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến e ngại rằng nước lá đào độc, không rõ có ảnh hưởng đến làn da non của trẻ.

Trước thắc mắc của chị Huyền, TS.BS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tích Hội Đông y Hà Nội cho biết, việc triệt lông, tẩy cứt trâu, trị rôm sẩy, mụn nhọt, hăm… bằng cách tắm nước lá cho trẻ sơ sinh được nhiều người áp dụng. Trong Đông y, nước lá thảo dược cũng được áp dụng để trị nhiều bệnh cho trẻ sơ sinh có hiệu quả. Tuy nhiên, việc tắm lá (tắm thuốc) trong Đông y cũng phải có chỉ định rõ ràng đối với từng bệnh hoặc đối tượng nào không được tắm. Mặc dù nhiều loại lá có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng nhưng không phải da của trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng.

Tắm lá đào cho trẻ sơ sinh ở Hà Giang.

Cùng quan điểm với TS.BS Nguyễn Hồng Siêm, Ths.BS Nguyễn Tuyết Lan, nguyên Trưởng khoa khám bệnh, Viện Y học Cổ truyền Trung ương cho hay, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da rất yếu và mỏng, các chức năng bảo vệ kém nên dễ nhiễm khuẩn. Nhiều trẻ da nhạy cảm không hợp với việc tắm lá dẫn đến bị viêm da, nhiễm khuẩn da, nhiễm trung máu… Các bậc cha mẹ không nên chủ quan tùy tiện dùng nước lá tắm cho trẻ bởi theo nghiên cứu khoa học, da trẻ nhỏ mỏng chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, biểu bì non, các chức năng bảo vệ chưa hoàn thiện, rất nhạy cảm và dễ nhiễm khuẩn.

Tắm lá đào có thể vào bệnh viện

TS.BS Nguyễn Hồng Siêm cũng cho rằng, những loại lá cây mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng… có thể vướng phân trâu, thuốc trừ sâu, bụi bẩn… nên tính nhiễm khuẩn rất cao, nếu xử lý không đảm bảo rất dễ khiến da bé bị tổn hại. Lá đào là một trong những loại lá được mẹ hay sử dụng để tắm cho trẻ, mục đích trị cứt trâu đầu, rôm sẩy, mụn nhọt, ghẻ lở… Tuy nhiên, lá đào không phải loại lá trị rôm sẩy cho da của trẻ sơ sinh. Lá đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng khử phong thấp, thanh nhiệt, sát khuẩn. Trong Đông y, lá đào được dùng trị cảm mạo phát sốt, đau đầu, phong tê, sốt rét, đại tiện không thông, loét dạ dày, mẩn ngứa, lở chân… cho người lớn bằng cách nấu nước rửa hoặc giã đắp.

Dân gian thường dùng lá đào làm vị thuốc xát tắm trị ghẻ lở, mẩn ngứa, chốc đầu, dùng ngâm chữa viêm kẽ chân, chấy rận cho người lớn nhưng với trẻ nhỏ thì không nên. Lá đào không hề có tác dụng làm rụng lông (triệt lông). Lông trên cơ thể trẻ nhiều là do di truyền. Khoa học chưa hề có chứng minh nào rằng lá đào có công dụng triệt lông.

Theo Ths.BS Nguyễn Tuyết Lan, khi trẻ sơ sinh bị viêm da thường xuất hiện các dấu hiệu như mọc mụn nước, đỏ, lỡ loét ở một số vùng hoặc toàn cơ thể, biểu hiện sốt và hay quất khóc. Các cha mẹ nên đưa con đến khám da liễu để được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc an toàn cho da của trẻ, tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nếu trẻ nhỏ chỉ bị rôm sẩy, mụn nhọn, hăm ở mức thông thường thì có thể dùng các loại lá sài đất, lá khế, nước mướp đắng,… tắm cho con. Đặc biệt chú ý không dùng nước lá trúc đào tắm cho trẻ. Một số người nhầm lá đào và lá trúc đào. Nếu tắm nhầm lá trúc đào cho trẻ có thể gây nguy hiểm tính mạng. Nước lá trúc đào có độc tố mạnh, có thể ngấm qua các vết lở loét thấm vào máu, gây ngộ độc máu cho trẻ.

Hồng Linh

Theo Đời sống
back to top