Phản khoa học khi dùng hạt đu đủ chữa gai cột sống

(khoahocdoisong.vn) - Thời gian gần đây trong dân gian cũng như nhiều trang mạng lan truyền bài thuốc dùng hạt đu đủ chín để chữa gai đốt sống.

Chỉ là đồn thổi

Chị Nguyễn Thị Bình, 43 tuổi, (88 Võ Thị Sáu, HN) bị đau lưng, thỉnh thoảng thay đổi thời tiết lại thấy đau nhói. Đi khám bác sĩ cho biết chị bị gai đốt sống, khuyên tập luyện nhẹ nhàng, chú ý chế độ ăn, uống thuốc theo đơn và định kỳ kiểm tra lại.

Nghe có bạn bè mách  đắp hạt đu đủ sẽ khỏi, chị Bình vào mạng tìm hiểu. Thì ra hoạt chất papain trong hạt đu đủ giúp làm mềm cơ thịt và có tác dụng ăn mòn, phá hủy các mỏm xương gai cột sống rất hiệu quả. Chỉ cần lấy hột đu đủ, bỏ lớp vỏ mềm bên ngoài, giã nghiền nát rồi đắp lên đốt sống bị gai đau.

Thời gian đắp nửa tiếng/1 lần và đắp khoảng 20-30 ngày thì gai đốt sống sẽ mòn. Nhiều trang mạng còn thông tin rằng ở Nhật và Trung Quốc, ăn một thìa hạt đu đủ mỗi ngày có thể bảo vệ gan khỏi bệnh tật, giảm đau khớp, viêm khớp, sưng tấy và đỏ khớp nhờ các chất chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn trong hạt đu đủ...

Sau 2 tuần uống nước hạt đu đủ và đắp hạt đu đủ giã vào chỗ đau chị Bình không thấy thuyên giảm. Vùng lưng đắp hạt đu đủ bị dự ứng mẩn đỏ, đã đau lại thêm rát. Đi khám lại, chị Bình được PGS Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gai cột sống là một căn bệnh thoái hóa cột sống mà phần xương mọc ra (gai xương) phía ngoài và hai bên của cột sống.

Vị trí thường mọc gai là mặt trước và mặt bên của cột sống. Do chiều dài của các gai không lớn và chỉ mọc ở mặt trước, hoặc mặt bên, ít khi mọc ở phía sau nên việc chèn ép của gai lên các bộ phận khác không nhiều. Đa số người bị gai đôi cột sống sẽ không gặp trở ngại trong sinh hoạt và việc phẫu thuật cắt bỏ gai là không cần thiết. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn gây chèn ép dây thần kinh tọa và các rễ thần kinh xung quanh dẫn đến đau nhức, tê cứng cột sống.

Không có căn cứ khoa học

PGS Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng cho biết, phẫu thuật gai cột sống chỉ được chỉ định trong các trường hợp gai quá lớn làm hẹp ống tủy hoặc chèn rễ thần kinh cột sống. Tuy nhiên, việc phẫu thuật cũng không thể triệt tiêu bệnh hoàn toàn, bởi vì gai có thể mọc lại.

Đối với bệnh gai cột sống, phương pháp điều trị thích hợp nhất vẫn là châm cứu, vật lý trị liệu, tác động cột sống để tăng sự vận động các cơ khớp… Chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào trên thế giới về đắp hạt đu đủ giã chữa được gai cột sống. Nếu hoạt chất papain trong hạt đu đủ mà có thể “làm mềm cơ thịt và có tác dụng ăn mòn, phá hủy các mỏm xương gai cột sống” thì quá nguy hiểm, chứ không thể nói là chữa bệnh hiệu quả.

TTUT BS CKI Doãn Hồng Phương, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc cũng cảnh báo, hạt đu đủ có vị cay nồng, đắng, có chứa độc tố carpine. Nếu tiêu thụ với lượng lớn carpine, cơ thể có thể sẽ gặp phải tình trạng suy nhược hệ thần kinh, rối loạn nhịp thở, loạn mạch đập của tim và đau vai gáy.

Việc tùy tiện uống hạt đu đủ hàng ngày không đúng cách sẽ để lại hậu quả khó lường. Việc lấy hạt đu đủ đắp lên để tiêu gai đốt sống cổ như một số bài thuốc được lan truyền trên là một phương pháp không đúng, không có cơ sở khoa học và không nên dùng. Chắc chắn gai cột sống thì không phải điều trị bằng hạt đu đủ là khỏi được.

Vị thầy thuốc này cũng cho hay, nếu chị Bình không có cảm giác đau nhức quá mức không cần uống thuốc mà chỉ cần chú ý tới tư thế vận động hàng ngày (tránh khom lưng, bê vác nặng,...); bổ sung vitamin D; tập luyện thể dục nhẹ...

Nếu tình trạng đau buốt cột sống tăng, đi lại khó khăn kèm tê bì chân tay, bả vai,... thì nên tới trực tiếp các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được chẩn đoán kỹ mức độ tổn thương của cột sống và có hướng điều trị kịp thời, đúng cách chứ không nên đắp hạt đu đủ, không khỏi mà còn thêm bệnh.

Theo Đời sống
back to top