Ốc sên + măng tre chữa hen suyễn

(khoahocdoisong.vn) - Theo y học cổ truyền, ốc sên vị mặn tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng.

 Ông Nguyễn Hưng Hà (Nam Định) viết thư về Ta soạn cho biết, con ông bị hen đã hơn 20 năm nay. Cháu đã được điều trị bằng nhiều thứ thuốc, trong đó có cả cá ngựa, tắc kè, mật quạ…Bệnh ổn định nhiều năm nhưng nay lại tái phát mà chữa mãi chưa cắt hẳn cơn. Có người mách dùng hỗn dịch nước ép măng tre và nước sắc ốc sên để chữa bệnh. Mong Báo KH&ĐS cho biết về cách chữa bệnh này.

Ốc sên (Achtina fulica), thuộc họ ốc sên (Achatinidae), là động vật thân mềm có vỏ màu hơi vàng nâu, có đầu và một chân tỏa rộng ra đằng sau đầu, phía trước đầu có hai đôi xúc tu (râu). Chúng thường sống ẩn trong các khe, bụi cây, hốc cây…Vào mùa đông ốc sên nghỉ hoạt động để tránh lạnh, chúng co mình vào vỏ và tiết ra một màng nhầy bịt kín miệng vỏ lại.

 Ốc sên là loài động vật lưỡng tính, nghĩa là trong cơ thể vừa có cơ quan sinh dục đực vừa có cơ quan sinh dục cái. Chúng không tự thụ tinh được, đến mùa sinh sản chúng thường ghép đôi để trao đổi tinh trùng cho nhau. Ốc sên đẻ trứng vào hốc đất thành từng đám, vài ba tuần sau trứng nở thành ốc sên con. Ốc sên ăn thực vật, thường phá hoại cây cỏ, hoa màu.

Về thành phần hóa học, trong nước ốc sên thủy phân có 0,48% nitơ toàn phần, 0,112% nitơ amin với những acid amin như leuxin, alanin, valin, acid aspartic, acid glutamic, nor- leuxin.

     Theo y học cổ truyền, ốc sên vị mặn tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng. Sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam đã  viết: "Từ năm 1991, nhân dân ở một số vùng ở Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương thường bắt về nấu ăn chữa hen suyễn". Trong Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh cũng viết :" Oa ngưu- ốc sên, vị mặn, tính hàn, hơi độc, trơn mềm, trị trúng phong méo miệng, kinh giản giật rút, bị rết cắn, thũng độc đều trị được cả". Hải Thượng Lãn Ông trong Lĩnh nam bản thảo đã ghi nhận: " Oa ngưu tục gọi là con sên,- Mặn, lạnh, hơi dộc, tính trơn mềm, - Phong tà méo lệch, kinh co rút,- Rết cắn, độc sưng đều chữa yên”.

     Ở Trung quốc, người ta dùng loài Oa ngưu- Eulota peliomphala Pfr. làm thuốc trị phong nhiệt kinh giản, tiêu khát, đau họng, bệnh quai bị, tràng nhạc, ung thũng, lở trĩ, thoát giang và rết cắn.

     Về cách dùng, có thể sắc, giã lấy nước hoặc phơi khô tán bột uống trong; giã bôi hoặc phơi khô tán bột bôi ngoài; ở một số nơi người ta còn dùng ốc sên để chế biến thành các món ăn hợp khẩu vị.

     Trong y học cổ truyền, nước ép măng tre được gọi là trúc lịch, cũng có vị đắng tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt hoạt đàm, trấn kinh lợi khiếu, thường được dùng để chữa các bệnh do phong đàm, nhiệt đàm gây nên, trong đó có chứng khái nghịch đoản khí mà y học hiện đại gọi là hen phế quản.

Tuy nhiên, theo lý luận về hàn nhiệt của y học cổ truyền, vì ốc sên và trúc lịch đều có tính lạnh nên chỉ được dùng cho hen phế quản thuộc thể nhiệt, biểu hiện bởi các triệu chứng như: Bệnh thường tái phát vào mùa hè, có sốt, khó thở, ho khạc đờm vàng, miệng khô họng rát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ…, Y học hiện đại thường gọi là hen phế quản do nhiễm khuẩn. Trên thực tế, đây cũng chỉ là những kinh nghiệm dân gian chưa được chứng minh bằng các công trình nghiên cứu khoa học.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Việc nhầm lẫn giữa nhìn mờ do đột quỵ và các bệnh về mắt là một vấn đề phổ biến, sự chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khiến người bệnh mất đi cơ hội điều trị sớm hoặc để lại những di chứng nặng nề.
back to top