Cây nhót (Elaegagnus latifolia L.) thuộc họ nhót (Elaeagnaceae), tên khác là hồ đồi tử, người Tày gọi là lót, bất xá. Trong Đông y nhót được coi là loại dược liệu có nhiều công dụng.
Lá nhót: Vị chua, tính bình, vô độc. Dùng chữa các chứng phế hư khí đoản, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt… Trong thực nghiệm, lá nhót có tác dụng kháng khuẩn làm ức chế mạnh sự phát triển của các chủng Shigella shigae, S.flexneri, S. sonnei và S. dysenteriae týp 3. Tác dụng này chính là do thành phần tanin có trong lá nhót với hàm lượng cao cùng với saponin và polyphenol. Đồng thời, thuốc cũng có tác dụng hạn chế quá trình viêm cấp và mạn tính.
Dùng riêng hoặc phối hợp lá nhót với vỏ cây chân danh (đỗ trọng nam) với liều lượng bằng nhau. Hoặc lá nhót và rau sam, nhọ nồi, cỏ sữa lá to, búp ổi (mỗi thứ 10g) phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn hoặc làm thành viên, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 15g.
Lỵ trực trùng: Lá nhót, cỏ sữa nhỏ lá, rau sam mỗi thứ 30g, nấu uống mỗi ngày 1 lần, 7 ngày là một liệu trình.
Rối loạn tiêu hóa, phân nhão lỏng dài ngày: lá nhót 30g, vỏ quýt 15g, gừng 2g, kim ngân hoa 10g nấu sắc uống.
Hen suyễn: lá tươi 30g, lá kim vàng 20g, lá húng chanh 30g, lá táo chua 30g sắc uống. Hoặc dùng lá sao vàng tán mịn, ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 4g, dùng nước cơm nóng chiêu thuốc, liên tục trong 15 ngày (một liệu trình), trường hợp cần thiết có thể phải điều trị nhiều liệu trình. Hay lá tươi 1 lạng, sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày, liên tục trong 4 ngày.
Chữa các chứng ho nói chung: Lá tươi 30g, sắc với nước, thêm chút đường và uống.
Lao phổi ho ra máu: Lá tươi 24g, đường 15g; dùng nước sôi hãm như nước trà; ngày uống 2 lần sau bữa ăn.
Nhọt độc phát ở sau lưng (hậu bối), các vết thương chảy máu: Lá tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh.
Bị ong đốt, rắn cắn: Lá tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt với rượu uống, còn bã đem đắp vào chỗ bị bệnh.
BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam y Việt Nam)