Hồ Dầu Tiếng.
Chứng nhân Đảo Nhím
Trước khi có hồ Dầu Tiếng, khu vực suối Nhím nằm trên đất rừng huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Bắt đầu từ năm 1981, Nhà nước cho ngăn sông Sài Gòn xây dựng công trình thủy lợi Dầu Tiếng, một phần khu vực này không bị nhấn chìm nên nổi lên giữa lòng hồ như một ốc đảo. Người ta gọi ốc đảo giữa lòng hồ Dầu Tiếng là Đảo Nhím để hoài niệm một thời lưu vực hồ còn là rừng nguyên sinh với từng đàn nhím và heo rừng thường ra suối tìm măng và uống nước.
Ngay sau những ngày Tết Mậu Tuất, Lê Quang Thực – Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Phước Ninh đưa tôi ra Đảo Nhím. Thực quê Phú Thọ, nhập ngũ tháng 2/1971, làm lính đặc công. Sau bốn năm chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, anh cùng đơn vị sang giúp Campuchia trừ họa diệt chủng. Đất nước Chùa Tháp giải phóng, Thực ra quân, lập gia đình, đưa vợ vào xã Phước Ninh, Dương Minh Châu bứng le, đào gốc cây rừng bị bom pháo và chất độc hóa học của Mỹ phát quang, làm rẫy trồng mì, nuôi trâu.
Mùa mưa đã dứt ba tháng nhưng nước hồ Dầu Tiếng vẫn ngấp nghé chân đập. Gió lồng lộng, sóng dềnh như sóng biển. Thấy tôi có vẻ sợ sóng, Thực động viên: “Không việc gì đâu. Người chạy tàu này giỏi lắm, ngày nào cũng đưa đón khách ra đảo làm rẫy”. Phía trước mũi tàu, Đảo Nhím xanh lam hiện dần trên sóng nước. Chưa đầy 40 phút, chúng tôi đã chạm chân hòn đảo có thể gọi là đảo nhân tạo này.
Trên dãy nhà lợp lá thốt nốt nhập từ bên kia biên giới, nhiều võng mắc sẵn tại quán giải khát của vợ chồng Hồ Quốc Thạch phục vụ dân cư trên đảo và khách du lịch. Thạch là cán bộ phụ trách an ninh xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Năm 1989 được phân công phụ trách Đảo Nhím, anh đưa vợ ra vỡ đất trồng mì và mở quán giải khát. Khách có nhu cầu nhậu, vợ chồng anh sẵn sàng phục vụ. Cần đế có đế. Cần bia có bia. Các loại cá ở hồ Dầu Tiếng do vợ chồng Thạch chế biến luôn được thực khách khen ngợi.
Biết tôi ra đảo tìm hiểu giá trị của rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng, Thạch giới thiệu khá chi tiết về Đảo Nhím qua các giai đoạn mà anh chứng kiến. Theo Thạch, diện tích hiện hữu không bị ngập nước ở Đảo Nhím là 430 hécta, 7.430 hécta ngập nước trong những tháng mùa mưa và khô trong các tháng mùa nắng. Khi xây dựng hồ Dầu Tiếng, chính quyền tổ chức di dân ra khỏi lòng hồ.
Năm 1986, hồ Dầu Tiếng bắt đầu đưa nước vào các công trình thủy nông kinh Đông, kinh Tây phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân Tây Ninh cùng các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh của TP.HCM. Thấy đất Đảo Nhím thuận lợi để phát triển cây mì, cây bắp, hàng trăm hộ dân ở huyện Dương Minh Châu, Tân Châu (Tây Ninh) kéo ra cất chòi, vỡ đất sản xuất. Năm 1990, vợ chồng Lê Quang Thực ra Đảo Nhím khai vỡ được 17 hécta đất bán ngập trồng mì và chăn nuôi trâu. Hiện Thực vẫn duy trì 10 con trâu mộng sống khỏe với Đảo Nhím.
Thực kể: “Dân ngày một đông, chính quyền xã Suối Đá phải thành lập ấp Đảo Nhím và xây dựng trường tiểu học để các cháu không phải vào bờ học. Năm 2002, tỉnh Tây Ninh quyết định di dời toàn bộ dân ấp Đảo Nhím vào đất liền, thu hồi đất để trồng rừng phòng hộ và tạo cảnh quan sinh thái hồ Dầu Tiếng”. Cũng theo Thực, khi mới có hồ Dầu Tiếng, Đảo Nhím chỉ lúp xúp cây chồi, cây tạp vì rừng già bị dân phá trụi.
Tôi bấm máy điện thoại hỏi kỹ sư Phong công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu – người tham gia xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện. Phong cung cấp thông tin: Trong 370 hécta quy hoạch trồng rừng thuộc tiểu khu 64 rừng phòng hộ Đảo Nhím, 196 hécta đã phát huy tác dụng, che phủ một phần đất đảo. Nhờ nguồn nước hồ dồi dào nên cây dầu, cây sao là những cây bản địa phát triển rất tốt, nhiều cây đã đạt chiều cao cả chục mét, tạo nên mảng xanh rất hấp dẫn giữa lòng hồ Dầu Tiếng.
Đi cùng rừng xanh
Trở lại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, chúng tôi thực mục sở thị thảm rừng tiểu khu 65 có diện tích 219 hécta, trải dài gần 3 kilômét cặp bờ hồ Dầu Tiếng.
Nhân dây xin sơ lược đôi nét về lịch sử tên huyện Dương Minh Châu. Dương Minh Châu sinh năm 1912, là học sinh Trường Petrus Ký Sài Gòn (nay là Lê Hồng Phong), Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương khi học ở Trường Cao đẳng Luật Hà Nội.
Sau cách mạng tháng 8/1945, ông tham gia kháng chiến với cương vị Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội Khóa I. Ông hy sinh ngày 7/2/1947. Tỉnh ủy Tây Ninh đã lấy tên ông đặt tên căn cứ cách mạng ở bắc Tây Ninh và địa danh huyện Dương Minh Châu ngày nay. Năm 1998 Dương Minh Châu được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kỹ sư Phong dùng xe gắn máy chở tôi men theo con đường chống cháy quanh tiểu khu 65 rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng. Dừng bên gốc cây sao đường kính gần một mét, Phong giới thiệu: “Khu rừng này trồng năm 1980 theo mô hình thuần sao và dầu, được chăm sóc và bảo vệ nghiêm ngặt, chưa một lần xảy ra hỏa hoạn, cũng không bị chặt phá. Phía bắc tiểu khu 65 có trạm bảo vệ nằm cặp bờ hồ, giáp khu dân cư”.
Nguyễn Văn Khương có 20 năm làm nhân viên bảo vệ tiểu khu 65 rừng đặc dụng. Anh am tường “tính nết” từng cây sao, cây dầu, đêm như nghe được cả tiếng thở của lá cây. “Em ăn, ngủ với rừng khi cây mới hơn chục tuổi. Giờ cây đã 40 xuân. Thấy cây vừa cao vừa to, sướng lắm!”- Khương tâm sự. Khương cho biết, tiểu khu 65 có rất nhiều loại chim, thú như chào mào, chích chòe, cu rừng, rắn, khỉ, gà rừng… Thảo dược có nấm linh chi, nấm mối, hà thủ ô…
Trước tình cảnh một số bà con nghèo từ Campuchia về cất chòi ven rừng, bám lòng hồ Dầu Tiếng chài lưới mưu sinh gây mất an ninh trật tự và làm ô nhiễm nguồn nước, được UBND tỉnh Tây Ninh đồng ý, Hội Nông dân xã Phước Ninh lập dự án xây dựng Nhà mái ấm nông dân lo cho bà con có nơi an cư.
Bà Lâm Thị Có – Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh kể: “Chúng tôi vận động các mạnh thường quân ở TP.HCM và ở Tây Ninh được trên 400 triệu đồng xây 14 căn nhà tặng 14 hộ nghèo”.
Ông Lê Tấn Trường quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vừa sang tuổi 82, cả đời chưa có “cục đất chọi chim”, nói chi nhà ở. Năm 15 tuổi, ông Trường phiêu bạt lên Dương Minh Châu làm mướn, vì quá nghèo nên không lấy được vợ. Sau giải phóng, tỉnh Tây Ninh xây dựng Khu Di tích căn cứ cách mạng Dương Minh Châu, ông được vào làm bảo vệ. Khi sức khỏe yếu, ông xin nghỉ việc.
Ra ngoài, ông không tìm được nơi tá túc. Nhờ Nhà mái ấm nông dân, ông được bố trí một căn hộ 30 mét vuông, hằng tháng được chính quyền trợ cấp tiền và gạo.
Ông nói trong nước mắt: “Không có nhà Mái ấm, chắc tôi phải tá túc bên rừng phòng hộ”. Là người ham đờn ca tài tử từ nhỏ, dù nghèo khó ông vẫn tích cóp sắm được cây đàn cò, chiều chiều ra hè vừa ca vừa kéo đàn cho bà con nghe chơi. Ông nói: “Đời cho mình thế là đủ, còn chút sức tàn còn ráng cùng bà con hè nhau bảo vệ rừng”…
Theo Khuynh Diệp (DNSG)