Rất xứng… chuyện lạ Việt Nam. Ấy là thôn Tràng Sòi ở Triệu Ái, xã bán sơn địa 2 lần Anh hùng LLVTND của huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Tràng Sòi độc mỗi 1 hộ dân với 2 nhân khẩu thường trú song vẫn được duy trì các khoản kinh phí của Nhà nước cấp để hoạt động như một đơn vị hành chính thôn từ việc chính quyền xã “tự đẻ ra” các chức danh.
Kỳ lạ nữa, Tràng Sòi – thôn tồn tại đã 25 năm rồi mà Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị lại lắc đầu ngạc nhiên không biết, khi được hỏi…
Căn nhà của hộ bà Nguyễn Thị Dùng ở Tràng Sòi từ lâu đã không có người lui tới. Ảnh: H.L.
Trưởng thôn, kiêm…
Từ Đông Hà thành phố tỉnh lỵ Quảng Trị, theo đường Hùng Vương nối dài qua cầu Vĩnh Phước, chúng tôi chạy xe máy đúng 6,7 cây số nhão nhoét bùn đất ổ trâu, ổ voi là chạm thôn Tràng Sòi. Thôn cả thảy 6 nóc nhà nhưng 5 nóc cửa đóng then cài, duy 1 nóc tuồng như lẩu lâu chả còn bóng người lui tới. Sau này mới biết là nhà bà Nguyễn Thị Dùng. Độc chỉ có hộ ông Nguyễn Các, 72 tuổi, Trưởng thôn Tràng Sòi là có người sinh sống. Trưởng thôn Các vắng nhà.
Nguyễn Thanh Bình, 42 tuổi, con trai Trưởng thôn, kể: “Tui cũng chỉ mới nhập khẩu lên đây mấy tháng. Sổ hộ khẩu chỉ có 2 cha con, còn mạ tui ở đây song hộ khẩu vẫn ở dưới quê Gia Độ, Triệu Độ, Triệu Phong. Trước đây, sổ hộ khẩu ba tui còn có 2 người chị nhưng các chị đều đi lấy chồng, tách khẩu, sinh sống ổn định dưới phố. Việc tui nhập khẩu lên đây là thay thế các chị sở hữu phần diện tích đất rừng do Nhà nước cấp. Còn nhà ở cố định của gia đình với vợ và các con thì vẫn dưới phố, chỗ phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà”.
Vợ Trưởng thôn, bà Trần Thị Lợi, 70 tuổi, mặn chuyện: “Sau năm 1975, chồng tui đưa cả nhà lên rẻo cao Khe Sanh lập nghiệp. Năm 1983, nhà tui cuốc đất đụng phải mìn, hư một mắt. Cả nhà lại kéo nhau về quê Gia Độ. Rồi đất chật, người đông, cuộc sống khốn khó nên năm 1992 nhà tui cùng 39 hộ dân trong làng và bên xã Triệu Thuận nữa tìm lên vùng đất Tràng Sòi ni để mần ăn. Thuở đầu, cả 40 hộ ở chung, tới năm 1994 thì làm nhà ở riêng. Các năm tiếp theo 1995, 1996, 1997, bà con được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trồng rừng theo các dự án PAM 4304 và 5 triệu ha rừng của Chính phủ để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Bên cạnh các khoản hỗ trợ như gạo, tiền công trồng và chăm sóc cây rừng, về sau bà con còn được Nhà nước cấp “sổ đỏ” đất rừng và cho hưởng lợi từ việc trồng rừng. Nhưng rồi do quá khó khăn về đường sá đi lại, nguồn nước sạch ăn uống sinh hoạt hàng ngày lẫn hạ tầng cơ sở nông thôn thiết yếu khác như điện, trường học, trạm y tế không có nên rất nhiều bà con bỏ về quê cũ”.
Chuyện trò lan man quá Ngọ với vợ con Trưởng thôn thì ông Các đi thăm con gái ở thành phố Đông Hà về. Trưởng thôn Các là người vui chuyện. Ông kể: “Năm 2000, Tràng Sòi còn lại 15 hộ, đến năm 2008 là 8 hộ, từ 2012 đến nay 6 hộ song thực ở chỉ 1 hộ. Còn 5 hộ kia do còn rừng trên đó nên họ đi đi về về hoặc lúc nào thôn có việc thì lên tham gia. Thôn chỉ 6 nóc nhà nên việc bầu bán, phân công các trách nhiệm trong thôn rất đơn giản. Tui ở đây 25 năm thì có tới 17 năm có dư làm Trưởng thôn kiêm một số chức khác như Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn…”.
Ông Nguyễn Các kể chuyện 25 năm sinh sống, “gánh vác” các chức danh ở Tràng Sòi.
Đủ “bá quan văn võ” hưởng chế độ
Trưởng thôn Các bảo, thời mới lập nghiệp năm 1992, tất thảy các hộ dân đều nghèo rớt, nhưng rồi được giao đất trồng rừng nên kinh tế nay đã thoát nghèo. Dẫu số dân cực ít và “trắng” đảng viên song Tràng Sòi vẫn đầy đủ “bá quan văn, võ” về chức danh hành chính của một thôn và được hưởng mọi chế độ của Nhà nước hẳn hoi.
Tỉ như ngoài đảm nhiệm chức vụ Trưởng thôn, ông Các còn kiêm chức Trưởng ban Mặt trận thôn, mỗi tháng được chi trả 1,5 triệu đồng. Công an viên Hoàng Minh Phong (nay đã tạm trú về thôn Hà Xá, xã Triệu Ái-gần Quốc lộ 1A để tiện cho con cái học hành) nhận 1,1 triệu đồng/tháng. Tổ trưởng Hội Phụ nữ (không có phụ cấp) kiêm Chi hội trưởng Nông dân thôn Võ Thị Ba được hưởng 450.000 đồng/tháng…
Băn khoăn thôn tồn tại chỉ 1 hộ dân đặt lên bàn làm việc của Chủ tịch UBND xã Triệu Ái Đặng Sĩ Dũng. Ông Dũng bảo: “Hồi thành lập thôn Tràng Sòi có 40 hộ dân. Theo quy định hiện nay là không đủ điều kiện vì vùng đồng bằng phải trên 200 hộ, miền núi trên 100 hộ. Nhưng theo quy định hồi đó chắc… là được (?) nên thôn mới được thành lập. Còn việc bà con bỏ về là do trên đó chưa đảm bảo được các điều kiện để sinh sống.
Trước đây tôi làm Chánh văn phòng Huyện ủy Triệu Phong, mới về làm chủ tịch xã Triệu Ái 5 tháng nên một số việc trên thôn đó không được rõ lắm”. Theo giới thiệu của Chủ tịch Dũng, chúng tôi lần tìm ông Hoàng Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Ái, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Song ông Sơn từ chối khéo, và… giới thiệu qua ông Lê Hài, Phó Chủ tịch xã. Ông Hài bảo: “Năm 2001, tôi làm Bí thư xã Đoàn Triệu Ái.
Đến năm 2006 thì làm Khuyến nông. Từ năm 2012 đến 2015 làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Tôi cũng chỉ mới làm Phó chủ tịch xã từ 2015 đến nay nên việc Tràng Sòi với chỉ 1 hộ dân sinh sống thường xuyên nhưng vẫn tồn tại 1 thôn, tôi không được rõ lắm. Tôi chỉ biết, đã là thôn thì phải có các tổ chức chính trị-xã hội. Theo đó những người được bầu bán, thực hiện trách nhiệm trong những tổ chức này thì được hưởng tiền lương, tiền phụ cấp của Nhà nước”.
Xem ra “cái lý” của các lãnh đạo xã Triệu Ái khó mà cãi lại được! Chỉ có điều những “cái lý” ấy không phù hợp với thực tế ở Tràng Sòi nên chúng tôi tiếp cận kế toán UBND xã Triệu Ái Phan Hoàng Sơn ngõ hầu để biết những năm qua Nhà nước đã phải chi kinh phí bao nhiêu cho thôn…1 hộ dân này. Ông Sơn bảo: “Tôi mới làm kế toán xã từ tháng 9 năm ngoái. Số liệu từ đó đến nay thì tôi nắm được, còn trước đó thì phải tìm”. Loay hoay một hồi song ông Sơn không thể tìm ra được các bản kế toán từ năm 2013 trở về trước, nên chúng tôi đề xuất tìm các bản từ năm 2014 đến nay.
Theo các bản kê tài chính này, thôn Tràng Sòi có các chức danh, nhiệm vụ được Nhà nước chi trả tiền lương và phụ cấp kinh phí hoạt động, gồm: Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Công an viên thôn, Cộng tác viên khuyến nông thôn, Thú y thôn, Chi hội trưởng Nông dân thôn. “Việc chi trả kinh phí cho các chức danh, nhiệm vụ ở trên là căn cứ theo Quyết định số 08/2014 ngày 11/2/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị. Tràng Sòi là thôn loại 3.
Đối với ông Nguyễn Các, Trưởng thôn này chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên hưởng chế độ theo hệ số 0,75/tháng. Tương tự, ông Hoàng Phi, Thú y thôn được hưởng 0,3/tháng. Đối với các chức danh, nhiệm vụ khác như Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Chi hội trưởng Nông dân thôn…, thì được khoán kinh phí theo năm, tương ứng với 7 triệu và 5,5 triệu đồng”, ông Sơn lý giải.
Đây là nóc nhà của ông Nguyễn Các, hộ dân duy nhất sinh sống thường xuyên ở thôn Tràng Sòi.
Đến đây, sự trái khoáy trong quản lý, điều hành công tác hành chính của xã Triệu Ái đối với địa phương trên ai cũng biết. Bởi lẽ, thôn chỉ với 1… hộ dân nhưng chính quyền địa phương “đẻ” ra khá đầy đủ các chức danh, nhiệm vụ phục vụ cho các tổ chức chính trị-xã hội ở đó mà thực tế chúng chả hề tồn tại. Và, gần suốt thời gian tồn tại phần lớn các nhiệm vụ này đều tập trung trên vai một mình ông Trưởng thôn. Để ông này chỉ quản lý hộ khẩu của chính gia đình mình với vỏn vẹn 2 nhân khẩu kể cả bản thân ông và vài người khác lên đây làm ăn thời vụ theo kiểu “chân đồi, chân đồng”.
Và nữa. Trong mấy chục năm qua, Trưởng thôn Các còn được đề xuất, bình bầu, lựa chọn với đủ thứ thành tích mà ai mới nghe qua cũng kính phục, kính nể! Tỉ như, 17 năm công tác Mặt trận giỏi. 17 Bằng khen, Giấy khen do tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong tặng Trưởng thôn Nguyễn Các từ đề xuất của UBND xã Triệu Ái.
Trở lại chuyện thôn Tràng Sòi. Suốt 25 năm qua “trắng” về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh sống thiết yếu tối thiểu song về mặt hành chính và các khoản kinh phí của Nhà nước đối với thôn này thì vẫn tồn tại. Chủ tịch UBND xã Triệu Ái Đặng Sĩ Dũng lý giải, trước đây không được đầu tư nhưng nay thôn này đang được đầu tư xây dựng công trình đường điện. Tuy nhiên, Trưởng thôn Tràng Sòi Nguyễn Các lại khẳng định, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ công trình điện này là ông chủ trang trại không thuộc thôn Tràng Sòi với hơn 400 ha cao su và hơn 1.000 ha rừng.
Người mà Trưởng thôn Các úp mở, sau này tìm hiểu chúng tôi mới biết tên là Cường có sái danh “Cọt”. Chủ trang trại này những năm qua đã tự mở đường rồi cho người thu phí khi xe cộ khi vào thôn Tràng Sòi thu mua tràm. Rồi bằng cách này cách khác, ông ta đã ép người dân trước đây khi đang còn ở lại sinh sống tại Tràng Sòi phải bán hết lại mọi diện tích đất rừng do Nhà nước cấp cho ông ta…
Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị Hồ Ngọc An cho hay, lâu nay chưa nghe phản ánh về thực trạng ở thôn Tràng Sòi. Sở sẽ làm việc với huyện Triệu Phong và đề nghị không thể có thôn ít người như vậy được.
Theo Hữu Thành – Hiền Lương
(Tiền phong)