Nhiều người tận dụng mặt nước để nuôi cá lồng trên sông, thế nhưng, sự giễu cợt của con nước đã khiến họ chới với không biết bao nhiêu lần. Nhưng rồi, vì cuộc sống họ đành liều để đổ vốn, bỏ công sức “đánh cược” trên sông Bồ với hi vọng thoát khỏi nghèo khó. Tuy nhiên, thành quả thu lại chưa được bao nhiêu thì đã bị dòng nước cuốn trôi tất cả.
“Lũ về mạnh làm hư lồng, rách lưới hết chú à! Giờ không nuôi lại không được nhưng nuôi lại thì không biết lấy vốn ở đâu” – anh Kha vừa kéo mảnh lưới lên, vừa nói. Ảnh: NĐT
Con cá lồng và sự giễu cợt của dòng nước
Tôi hỏi, sau đợt này anh có tiếp tục nuôi cá lồng trên con sông này nữa không? Anh Kha chưa vội trả lời, anh bước chân xuống những lồng cá đang nằm dưới sông, những vết chân của anh trơn trượt trên lớp bùn non sau lũ.
Tay cầm một mảnh lưới rồi nhìn về phía tôi mà rằng: “Nước về mạnh làm lưới rách hết, những thanh thép chắc khỏe như ri mà cũng bị nước bẻ gãy. Cá chết, tài sản cũng hư hỏng hết, mất trắng chú à! Nhưng nếu không nuôi lại thì lấy chi mà ăn, thu nhập chính dựa vào đây. Bao nhiêu tiền của từ tích cóp lâu nay và vay mượn anh em, bạn bè tôi đều dồn vào cả ở đây. Nhưng giờ thì trôi theo lũ hết rồi”.
Anh Kha tên đầy đủ là Hoàng Kinh Kha (54 tuổi), ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, anh nuôi cá lồng trên sông Bồ cũng trên dưới 5 năm. Những năm lũ không về, cá bán được, năm nào anh cũng có thu nhập khá ổn. Đất hoa màu ít ỏi nên mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều dựa vào việc nuôi cá lồng.
Trong trận lũ về đầu tháng 11 vừa rồi, anh Kha hầu như mất trắng, mấy tấn cá diêu hồng sắp xuất bán của anh bị con nước làm chết sạch. Lồng cá được làm từ những thanh thép cứng cỏi cũng bị nước làm hư hỏng, nằm chênh vênh một nửa trên bờ, một nửa dưới nước. Sau lũ, anh phải nhờ người đẩy lại xuống sông để sửa sang lại, nhưng bao giờ nuôi cá lại thì chính anh cũng không có câu trả lời.
Không những anh Kha thiệt hại trong đợt lũ vừa rồi, mà hàng chục người nuôi cá lồng khác trên sông Bồ đều lâm vào cảnh trắng tay. Cá chết, lồng bè hư hỏng và nợ nần như một cơn lũ dữ từ đâu chảy về bủa vây lấy người dân.
Người nuôi cá lồng trên sông Bồ chưa bao giờ vui, họ quần quật lao vào làm ăn nhưng sự giễu cợt của con nước sông Bồ khiến họ thêm lao đao. Trong những tháng đầu hè vừa rồi, người nuôi cá lồng cũng đã nhiều lần “đứng tim” khi cá chết. Nguyên nhân được người nuôi cá lồng đưa ra là do thủy điện không xả nước về, khiến cá thiếu oxi, chết. Những con cá trắm cỏ, diêu hồng… đạt trọng lượng lớn chết một cách oan uổng trước mắt người dân.
Trong cơn khó khăn, nhiều người cố vớt vát những con cá còn ngoi ngóp đi bán rẻ để hi vọng lấy lại được chút vốn. Một số người khác thì bỏ tiền thuê máy về sục khí cho cá thở, mọi hành động được thực hiện một cách khẩn cấp nhằm cứu lại tài sản. Thế nhưng, khi những con cá may mắn được cứu sống vì thiếu nước thì chỉ vỏn vẹn mấy tháng sau, cũng những con cá đó chết vì lũ về quá lớn, quá nhanh.
Đánh cược tính mạng với tài sản
Cá chết, người dân bất lực đứng trên bờ nhìn xuống sông. Thế nhưng, vẫn có những người vì tiếc của mà bất chấp tính mạng lao vào dòng nước chảy xiết để cứu tài sản. Đến giờ, khi cơn lũ dữ đi qua đã một tháng, thế nhưng anh Hoàng Dũng, 49 tuổi, ngụ thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, vẫn nhớ như in phút sinh tử khi anh bị nước lũ cuốn cùng lồng cá trôi cả chục km.
Sáng hôm đó, khi nghe tin thủy điện xả lũ về, anh ra sông để neo lại lồng cá của mình, thế nhưng, chỉ ít phút sau nước đổ về mạnh khiến lồng cá anh bị cuốn trôi. Vì tiếc của, anh nhảy theo lồng cá, định lồng tấp vào đâu thì neo lại chỗ đó để sau lũ lại trục vớt. Nhưng mọi chuyện không như anh nghĩ, nước về mạnh, anh và lồng cá bị cuốn trôi hàng chục cây số. Chỉ đến khi lồng cá bị nhấm chìm, thế cùng anh buộc phải tự cứu mình bằng cách bơi vào bờ. “Cũng may bơi được vào bờ nếu không thì xác tôi giờ cũng như cái lồng rồi, không biết mô mà tìm” – anh Dũng nói như khóc.
Nước về mạnh, lồng sắt cũng như lồng nhôm hư hỏng không còn gì, người dân bị thiệt hại rất lớn. Ảnh: NĐT
Tôi hỏi, vì sao anh lại liều lĩnh cả tính mạng mình như vậy để đánh cược với dòng nước lũ? “Lồng cá tôi không phải như lồng những hộ khác, lồng tôi làm bằng nhôm nên có nuôi bao nhiêu năm cũng không bị hư hỏng. Tôi vay tiền đầu tư lồng nhôm để nuôi lâu dài, không phải sửa sang gì. Do giá trị lồng nhôm cao nên tôi phải liều nhảy lên lồng để cứu. Nhưng cuối cùng cũng không giữ lại được”- anh Dũng trả lời.
Không những thiệt hại lồng nuôi, cả đàn cá trắm cỏ trị giá 70 triệu đồng sắp xuất bán của gia đình anh Dũng cũng trôi theo dòng nước. Anh chị dự định số cá đó nếu bán được sẽ mua cho đứa con chiếc xe đạp và đầu tư cho thằng con đầu học đại học. Thế nhưng, dự định của anh chị và ước mơ có được chiếc xe đạp của đứa con nhỏ đã bị dòng nước cuốn trôi.
Cũng vì tiếc tài sản mà anh Châu Văn Tự (40 tuổi), ở xã Hương Vân, thị xã Hương Trà cũng nhảy theo lồng cá để cứu tài sản như anh Dũng. Khi dòng nước lớn đổ về cuốn trôi lồng cá của mình, vì tiếc của nên anh Tự nhảy lên lồng cá để hy vọng níu được tài sản của mình lại. Thế nhưng, nước về quá lớn, khiến anh và lồng cá bị trôi hàng chục km, cũng may sau đó anh được người dân cứu vớt kịp thời. Tuy nhiên lồng cá của anh thì bị nước cuốn trôi.
“Nuôi mấy vụ cá bằng lồng tre hai vợ chồng tích cóp mãi mới làm được cái lồng kiên cố. Cá mới thả nuôi được mấy tháng thì lũ về cuốn trôi. Mấy năm trước tôi nuôi cá bằng lồng tre và lồng sắt, nhưng cỡ 2 năm thì phải thay lại vì lồng mau hư. Thấy lồng nhôm nuôi bền với chẳng sửa chữa gì nhiều nên tôi vay vốn để làm lồng. Giờ cá chết tiếc đã đành, cái lồng làm bằng nhôm giá trị lớn cũng mất theo. Thấy nước về tôi tiếc của quá mà nhảy lên theo lồng, định bụng lồng tấp vào đâu thì neo lại, đợi khi nước rút thì về chở lên. Ai ngờ, lồng mất mà tôi thì suýt chết vì lũ cuốn”- anh Tự kể lại.
Người dân bỏ ngoài tai lời cảnh báo
Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (BCHPCTT&TKCN) tỉnh cho biết, trong đợt lũ đầu tháng 11 vừa qua đã làm người nuôi cá lồng ở thị xã Hương Trà bị thiệt hại 322 tấn cá, ngoài ra số lồng nuôi bị trôi mất khoảng 80 lồng. Huyện Quảng Điền bị thiệt hại 19 lồng nuôi cá; 3 lồng bị hư hỏng; 16 bè cá diêu hồng bị chết 100%, ước thiệt hại khoảng 200 tấn. Những con số thiệt hại đầy ám ảnh với người nuôi cá lồng trên sông Bồ.
Người nuôi cá lồng trên sông Bồ đưa ra nguyên nhân cá chết là do thủy điện. Tôi đem câu hỏi đó đi hỏi người đứng đầu nhà máy thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ thì nhận được câu trả lời rằng lượng nước xả về trong lũ là bên UBND tỉnh có nắm và được lệnh mới xả. Còn việc người dân nói chúng tôi không xả trong hè khiến cá chết thì không có chuyện đó, nếu chúng tôi không xả thì Bộ Tài nguyên & Môi trường “làm thịt” chúng tôi.
Trao đổi với chúng tôi ông Phan Thanh Hùn, Chánh Văn phòng BCHPCTT&TKCN tỉnh cho hay, việc thủy điện xả lũ là được lệnh mới dám xả. Chúng tôi cũng theo dõi liên tục, việc nước về trên sông Bồ trong những đợt lũ vừa rồi là do mưa ở thượng nguồn quá lớn nếu như không có thủy điện thì lượng nước đổ về còn lớn hơn nữa.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế) thông tin vì người nuôi cá trên sông Bồ là tự phát, không theo thời vụ nên vấn đề hỗ trợ cho người dân rất khó khăn. Chi cục cũng đang rà soát thống kê, xác định cụ thể mức độ thiệt hại của từng hộ, từng địa phương để làm cơ sở đề xuất, kiến nghị Nhà nước có mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, vì người dân nuôi thủy hải sản theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch và lịch trình thời vụ nuôi trồng nên cơ quan chức năng không có căn cứ xác định mức độ thiệt hại để đề xuất hỗ trợ. Chúng tôi cũng khuyến cáo người nuôi cá lồng trên sông nên tính toán lại, đừng vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
“Người nuôi cá lồng hiện tại họ làm theo kiểu năm ăn năm thua, họ cứ làm theo kiểu đánh lớn nếu trời cho thì thắng lớn, còn trời lấy thì đành chịu mất. Cách nuôi và làm ăn kiểu này với sự bất thường của thời tiết hiện tại là rất nguy hiểm. Với lại trong vòng hai năm trở lại đây mật độ nuôi cá lồng xuất hiện dày đặc trên sông Bồ, người dân bỏ tất cả ngoài tai mọi sự khuyến cáo của chính quyền. Với mật độ nuôi lồng cách lồng chỉ tính bằng cm như vậy thì cá không chết vì lũ cũng chết vì ngạt, vì thiếu oxy”, bà Hồng cho hay.
Nguyễn Đắc Thành
(theo Lao động)