Anh Bình hy vọng đời con mình sẽ không gắn với nghiệp chăn bò thuê.
Đời “cao bồi”
Làng Ring II (xã Hbông) được người dân gọi là “xóm cao bồi”. Gọi là xóm cho oai chứ thực ra dân cư ở đây rất thưa thớt, phần lớn nhà cửa tạm bợ, chủ yếu là người Jrai, số còn lại đến từ các tỉnh miền Trung với hoàn cảnh nghèo, không nghề nghiệp. Họ nhận và gắn với nghiệp chăn bò thuê, âu cũng là vì miếng cơm manh áo.
Men theo con đường nhỏ đầy dấu chân và phân bò, chúng tôi đến nhà “cao bồi” Trần Văn Thanh (57 tuổi). Nói là nhà nhưng thực chất chỉ là một căn lều tôn dựng tạm, mỗi khi có cơn gió thoảng qua thì những tấm tôn cạ vào nhau nghe ken két đến rợn tai.
Căn lều chỉ chừng hơn 20m2 trống huơ trống hoác, ấy vậy mà có đến 5 con người chen chúc sống trong đó nhiều năm nay. Mùa nắng thì nóng bức, mùa mưa thì dột nên thường co ro trong chiếc chăn mỏng. Phía sau nhà là một cái chuồng lớn, là nơi nhốt 60 con bò gia đình ông Thanh nhận chăn thuê.
Ông Thanh kể: “Năm 2006, gia đình tôi dắt díu nhau rời xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) với hành trang 3 không là không vốn, không nghề nghiệp, không trình độ lên làng Ring II nhận chăn bò thuê cho chủ bò. Hai vợ chồng đau ốm liên miên nên thằng con lớn là trụ cột đứng ra nhận hợp đồng chăn 60 con bò, phụ nó là 2 đứa em”.
Với 60 con bò nhận chăn theo phương thức khoán mỗi con là 250.000 đồng/năm, phần phân bò thuộc sở hữu người chăn nên mỗi năm cũng cho gia đình ông Thanh thu nhập được hơn 50 triệu đồng. “Nói chung, nghề này tuy cực khổ, hôi hám, thu nhập vậy cũng ổn định. Chịu khó chắt chiu thì 5 miệng ăn vẫn có thể nói là không phải lo đói”, ông Thanh bộc bạch.
Dù vậy, nghề này cũng chịu nhiều cơ cực. Có những hôm mưa gió bão bùng nhưng các con ông Thanh vẫn phải luồn rừng chăn bò, chỉ sợ chúng đi lạc mất. Có lần bò lạc phải đi tìm đến mấy ngày liền. Cũng phải cố chứ nếu không thì tiền đâu mà đền cho chủ. Cứ khoảng 8 giờ sáng, các con của ông thay phiên nhau lùa bò ra bãi chăn, đến tối khi bò no đẫy bụng mới về.
Ở làng Ring II, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình (47 tuổi, quê ở xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng gắn với nghiệp chăn bò hơn chục năm trời. Anh Bình kể, trước đây ở quê, 2 vợ chồng dù làm đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ đủ lấp 4 miệng ăn. Năm nào mất mùa, gặp hạn hán, thiên tai lũ lụt thì luôn trong cảnh đói rét. Thế là khi nghe người quen rỉ tai về một cuộc sống dễ thở hơn nên cả gia đình quyết định lên đây chăn bò thuê.
Theo anh Bình, khu vực này có hơn 6.000 con bò, với khoảng 40 trại, mỗi trại có từ 60 đến hơn 100 con. Trước đây, nghề này khá dễ dàng nhưng hiện tại việc chăn dắt rất khó khăn và cơ cực hơn nhiều. Rừng bị phá, rẫy thì thi nhau mọc lên, do đó bãi chăn thả thu hẹp lại và khan hiếm dần.
“Bò phải đi xa hơn nên khi về đến chuồng, lượng phân rơi rớt khá nhiều dọc đường. Mà hễ sơ sẩy để bò vào rẫy người ta thì thế nào cũng bị chặt chân, chặt đuôi. Bên cạnh đó là nạn trộm cắp bò cũng xảy ra nhiều hơn và hành vi, thủ đoạn ngày càng táo tợn hơn”, anh Bình cho biết.
Điều mà những “cao bồi” luôn canh cánh lo sợ từng rơi vào nhà vợ chồng lão “cao bồi” Nguyễn Văn Lo (55 tuổi, quê ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Đứa con thất học của ông Lo vì không hiểu biết pháp luật nên làm cho hậu quả của vụ việc nặng nề hơn.
Theo lời kể, cách đây 6 năm, bò nhà ông Lo vào vườn tiêu. Chủ rẫy xách dao rượt bò. Nghe vậy, con trai ông cầm dao đi nói chuyện với chủ rẫy và hậu quả làm cho 2 người bị thương, tổn hại tổng cộng 27% sức khỏe. Với tội danh “Cố ý gây thương tích”, con trai ông đã bị tuyên phạt 24 tháng tù giam. Chính vì lý do này mà gia đình ông Lo suýt mất việc vì chủ bò không muốn giao bò cho chăn.
Phân bò đổi chữ
Ban đầu, hầu hết số “cao bồi” đến từ các tỉnh miền Trung gắn với cái nghiệp chăn bò chỉ vì trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi đã ổn định, họ bắt đầu có động cơ cao hơn, mơ ước cao hơn. Họ đang cố chắt bóp tiền cho con cái học hành hòng thay đổi số phận.
Anh Bình bảo, ở gia đình, ai đi chăn bò thì đi, còn người ở nhà thì xúc phân đem ra phơi. Nguồn phân này là thu nhập chính của gia đình bởi mỗi khối phân khô hiện tại có giá đến 550.000 đồng. Cứ chừng 2 ngày là gia đình xuất bán một lần nếu là trời nắng, trời mưa thì lâu hơn.
“Đó là giá bán tận gốc chứ những người thu mua bán lại đến hơn triệu đồng. Phân được dân trồng tiêu ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh và người trồng cà phê khắp Gia Lai, Đăk Lăk rất ưa chuộng nên làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí bạn hàng cứ gọi điện thoại hối suốt”, anh Bình chia sẻ.
Nói rồi, anh Bình bộc bạch: “Nói chung, nếu chịu khó thì 2 vợ chồng mỗi tháng cũng có thể kiếm được hơn 6 triệu đồng để trang trải chuyện ăn uống hàng ngày và lo cho 2 cháu học hành từ phân bò. Còn tiền chăn bò thuê chừng 25 triệu đồng/năm coi như là của để dành cho các con đi học cao hơn trong tương lai. Ở quê làm gì kiếm được việc ngon lành như vậy. Tôi dự định, khi nào các con học xong, có việc làm ổn định thì sẽ nghỉ kiếm chuyện khác mà làm. Đây không thể nào là cái nghiệp gắn cả cuộc đời”.
Theo anh Bình, tiếng là sống bằng nghề chăn bò thuê nhưng thực chất nguồn thu nhập chính của gia đình là những bãi phân bò hôi hám. Tuy công việc có vất vả và cả ngày phải chịu sống chung với mùi hôi hám của phân bò, nhưng ngửi mãi rồi cũng thành quen.
“Nghề gì cũng vậy, làm riết rồi cũng quen thôi. Hy vọng đời con mình sẽ được học hành đến nơi đến chốn, có cái nghề ổn định, không phải chịu hôi hám như cha mẹ chúng nó”, anh Bình tâm sự.
Đến một bãi chăn bò, chúng tôi gặp một nhóm người chăn bò, lớn có, nhỏ có. Bắt chuyện với cô gái đen nhẻm đang loay hoay chăn bò, được biết tên em là Rah Mi Dan, đang học lớp 10. Cứ một buổi đến trường, buổi còn lại Dan phụ cha mẹ đi chăn bò.
Một công đôi việc, Dan đồng thời dắt theo các em để tiện trông chừng cho cha mẹ yên tâm lên rẫy. Mỗi khi đi chăn bò, Dan thường mang theo gùi để nhặt phân khô. Khi nào đống phân ở nhà đủ khối thì gọi người đến bán cũng kiếm được một số tiền kha khá để mua sách vở, quần áo.
Trước những khốn khó của đời sống, nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây hài lòng với việc con cái họ biết chăn bò để được chủ trả tiền công, nhặt phân bán lấy tiền phụ cái ăn cho gia đình và mua sách vở học tập.
Theo Phố Nhơn (Lao động)