Nhưng cũng có nhiều nơi như Huế và hầu hết các tỉnh miền Trung, người ta đến đền chùa chỉ duy nhất cầu một chữ an cho bản thân và gia đình.
Cúng đèn hoa đăng và phóng sanh, một trong những nghi thức trong lễ cầu an ở chùa Liên Hoa.
Đạp đất
Hai chữ “đạp đất” của người Huế nói riêng và miền Trung nói chung có nghĩa rất khác với quan niệm “xông đất” của các vùng miền khác. Ngày đầu tiên của năm mới, người Huế rất ngại “đạp đất” nhà người khác, vì “đạp đất” là đem lại sự may mắn, hanh thông cho nhà người đó trong suốt cả năm.
Nhưng nếu lỡ không may mà nhà người đó gặp chuyện xui xẻo do người “đạp đất” không hạp tuổi tác, căn mạng… thì gia chủ cũng “khó chịu” mà người “đạp đất” cũng sẽ bứt rứt trong lòng vì đã mang đến sự không may cho người khác. Bởi vậy thay vì đến nhà thăm nhau, sáng mồng một, người ta lên chùa lễ Phật rồi đi thăm mồ mả tổ tiên, ông bà.
Ngày đầu năm nào trên các ngả đường dẫn đến chùa Huế, bà con Phật tử cũng “ngựa xe như nấm, áo quần như nêm”, mỗi người một tâm niệm, một ý nguyện chân thành với mong muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình lên với chư Phật để cầu một năm mưa thuận gió hoà mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi…
Cũng có những người mới sơ cơ đến chùa cũng được bạn bè, bà con hướng dẫn theo lối đi chùa của người Huế, nhưng không giống với kiểu “hành hương thập tự” (đi đủ 10 chùa), cầu danh lợi, cầu mua may bán đắt, tiến chức thăng quan như ở nhiều nơi khác.
Mỗi người tuỳ theo sở nguyện của mình mà thành tâm trước Tam bảo, trước quý thầy để cầu xin một năm mới bình an, chỉ bình an là đủ. Để được nghe chúc cả năm mới tốt lành: “Xuân đa cát khánh/ Hạ bảo bình an/ Thu tống tam tai/ Đông nghinh bách phước” (mùa xuân nhiều niềm vui/ mùa hạ nhiều bình an/ mùa thu xua đi những tai ương/ mùa đông đón nhiều phước lành).
Ngày mồng một Tết hằng năm cũng là ngày vía đức Phật Di Lặc, vị Phật có gương mặt lúc nào cũng cười tươi, vô tư, vô tâm, không hề vướng bận chút bụi trần nào. Bởi thế nhiều người tin rằng, đầu năm đi chùa lễ Phật, được chiêm bái đức Phật Di Lặc là cả năm ấy lòng luôn cảm thấy thấy an lạc, nhẹ nhàng…
Cũng như phần lớn Phật tử Huế, gia đình tôi chọn một ngôi chùa mà mình có “lương duyên” để phát nguyện quy y (quay về nương tựa), để làm “bổn đạo”, làm một người con của chùa. Từ nhỏ tôi đã được dạy, ngôi chùa nơi mình quy y, nơi có vị “bổn sư” mà mình đã tin tưởng nương tựa tâm linh, đã truyền trao nguồn mạch đạo pháp, đã đặt cho mình pháp danh (tên pháp) để mình có niềm chánh tín trong sự quay về nương tựa Tam bảo là nền tảng đạo đức của nguồn cội, là nguồn mạch tâm linh…
Tiếng là “đi chùa” nhưng thật ra đó là một sự “trở về” để gột rửa bụi trần, để sám hối bởi vừa bước chân vào cổng chùa là đã giật mình nhớ lại, trong 5 lời răn của Phật ngày mình quy y về việc không sát sanh, không trộm cắp, không rượu chè, không tà dâm, hình như năm qua mình đã phạm giới rất nhiều điều…
Nhưng rồi có lúc tôi tự hỏi, vì sao ở đâu đầu năm người ta cũng bỏ rất nhiều tiền của để đi cầu tài, cầu lộc, cầu danh, trong khi đó những người Huế như mạ lại chỉ cầu an với chỉ một nén nhang? Hỏi rồi tự trả lời. Có lẽ tâm lý cầu an của người Huế xuất phát từ lịch sử, địa lý.
Người Huế dù gì cũng trải qua gần 200 năm sống bên cung vua phủ chúa, khiến tầng lớp dân đen con đỏ phải luôn luôn giữ kẽ, chỉ mong cầu được sống an lành, yên ổn. Bên cạnh sự nhiễu nhương của chốn vương quyền, người dân Huế còn luôn bị tổn thương bởi vùng đất này quanh năm luôn oằn lưng gánh chịu vô số thiên tai, bão lụt…
Ở đâu có đau khổ thì ở đó có Bồ Tát. Kinh Phật dạy như thế. Cũng không phải ngẫu nhiên khi Huế là xứ sở mà chùa chiền “đâm chồi nảy lộc” với hơn 100 ngôi chùa. Thành phố chỉ vẻn vẹn hơn 300.000 dân, nhưng gần 90% trong số đó là Phật tử…
Cầu an là một triết lý sống
Năm nào dịp rằm tháng giêng âm lịch, sư phụ tôi – Hoà thượng Thích Tuệ Tâm, trụ trì chùa Liên Hoa thuộc hệ phái Nam tông ở Huế – cũng nhắn tôi liệt kê họ tên những người thân trong gia đình để người làm lễ cầu an vào tối 14. Đây là một nghi lễ truyền thống được tổ chức vào dịp rằm tháng giêng, một nét sinh hoạt văn hoa tâm linh dành cho Phật tử nhằm tạo cho họ có thêm động lực và niềm tin vững chắc vào Tam bảo, củng cố thêm sự an tâm vào sự gia hộ độ trì của thập phương chư Phật để họ vượt qua những chướng duyên, những kiếp nạn, những khổ ách và bệnh hoạn trong một năm để chuyên tâm làm ăn tấn tới.
Lễ cầu an tại chùa Liên Hoa bắt đầu lúc 18h30 với nghi thức thắp sáng hoa đăng trên bảo tháp trước sân chùa, Phật tử cùng chư tăng đứng vòng quanh cùng tụng kinh “hạnh phúc” để cầu cho mọi người luôn được an lành, quanh năm luôn sáng suốt tâm trí. Tiếp theo tại chánh điện là nghi thức buộc chỉ “nhất tâm” để nối kết chư tăng và Phật tử lại với nhau thành một.
Tiếp đến là lễ quy y chung cho tất cả Phật tử để một lần nữa nhắc nhở họ về 5 điều răn của Phật. Tiếp theo là dâng sớ cầu an (xướng tên những người cần cầu an); Phật tử, chư tăng cùng hồi hướng về chư Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ… và cùng tụng kinh “hạnh phúc”; cuối cùng là chư tăng rảy nước cát tường lên người Phật tử để xua đuổi uế khí, đón nhận an lành…
Ở Huế, nghi thức cầu an có chút khác biệt. Khi cầu an các nhà sư thực hiện bao gồm các bài kinh, chú, sám, nguyện, lấy kinh Phổ Môn (phẩm Phổ Môn) trong kinh Pháp Hoa làm nên tảng của nghi lễ. Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa được đức Phật Thích Ca thuyết, nhằm trả lời câu hỏi của ngài Vô Tận Ý Bồ Tát là: Vì nhân duyên nào mà có danh xưng Quán Thế Âm Bồ Tát?
Đức Phật Thích Ca cho biết: Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Phật trong quá khứ vì hạnh nguyện cứu khổ chúng sanh nên đã hiện thân để cứu khổ. Đại ý, ví như chúng sanh cần có một mẹ hiền, thì ngài sẽ hiện là mẹ hiền, khi chúng sanh gặp bất kỳ ách nạn nào cầu quán thế âm đều được ngài thị hiện để giải trừ ách nạn…chính vì thế mà có nhân duyên lấy tên là Quán Thế Âm Bồ Tát (lắng nghe mọi âm thanh đau khổ của thế gian).
Ngoài ý nghĩa bình an thông thường, nghi lễ cầu an đầu năm của Phật giáo ở Huế còn hướng đến sự an lạc. Tâm an lạc trong Phật giáo không phải là cầu sự bình an do bất kỳ một đấng thần linh nào mang đến, mà phải từ nội lực hành trì của mỗi Phật tử. Để có được an lạc thì phải đạt được tâm vô uý (không sợ hãi), xa rời mọi phiền não. Mà để xa rời được phiền não để đạt tâm vô uý thì phải giữ giới, làm lành, trau dồi tri thức, hành thiền…
Bởi vậy tuy kinh Phổ Môn như đã dẫn ở trên nói chúng sanh khi gặp khổ nạn niệm đến danh hiệu Quán Thế Âm thì đều được ngài cứu giúp. Nhưng thực chất ý nghĩa sâu xa của việc hành trì niệm danh hiệu Phật cũng chính là một phép thiền định đem lại tâm an lạc.
Với người Huế, việc đi chùa và cầu an đầu năm hàm chứa một triết lý sống sâu sắc. Ai cũng cầu chỉ mỗi chữ an, nhưng không phải dừng lại ở chỗ an phận thủ thường mà hướng đến an lạc. Nhưng để có được an lạc, đạo Phật khuyên con người phải biết mong muốn vừa đủ. Chính ước muốn vừa đủ ấy đã đúc kết nên phẩm chất con người không mê dục luỵ, chỉ thích thanh tao.
Cầu an cũng là cách người Huế lâu nay chọn đi con đường chậm để hướng đến sự cái thiện. So với các vùng miền trong cả nước, tâm lý hướng thiện có thể sẽ trở thành lực cản làm Huế và nhiều địa phương khác ở miền Trung chậm phát triển. Nhưng biết làm sao được khi đó là sự lựa chọn xuất phát từ tập quán và nét văn hoá đã ăn sâu vào máu thịt nhiều đời?
Thôi thì lựa chọn cách sống thiện lương, cũng là cách phát triển bền vững theo khái niệm đang thời sự hiện nay vậy. Với lại nếu cầu danh lợi, cầu mua may bán đắt, cầu tiến chức thăng quan mà thần Phật chứng giám hết thì có mà… loạn!
Hoàng Văn Minh (Theo Lao động)