Chen lấn đi chùa đầu năm

Chen lấn đi chùa đầu năm không phải để học những điều răn của Phật, để làm theo những điều thiện, để sống nhân hậu… mà để cầu xin cho cá nhân mình, xin công danh sự nghiệp, xin được thoát nạn, xin tiền tài, sức khỏe, xin cả hạnh phúc…

Chen lấn đi chùa đầu năm.

Đầu năm, những nơi đông nhất có lẽ là các đền, chùa. Mới chiều mùng 1 Tết, đoạn đường vào phủ Tây Hồ (Hà Nội) đã tắc vì người đi lễ đã quá đông.

Nhiều người không dám và không thể chen vào bên trong để đặt lễ, đành đứng ngoài cố tìm chỗ vái vọng.

Một chị đang thành kính khấn vái chợt kêu toáng lên vì mất điện thoại, thế là nháo nhào càng nháo nhào hơn, hỗn độn càng hỗn độn hơn, ai cũng lo giữ đồ đạc, tư trang, cũng nhìn những người xung quanh với ánh mắt cảnh giác hơn.

Quanh đó, nhiều đền chùa khác cũng trong tình trạng đông tới mức quá tải như vậy. Có người đến nơi không vào được, đành chuyển hướng du xuân đầu năm sang hướng khác. Đi lễ đầu năm trở thành một cuộc chen lấn, xô đẩy, lo sợ và kinh hoàng.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, người ta đi chùa nhiều vì trong lòng không yên tĩnh muốn tìm một chốn để gửi gắm những điều mình mong mỏi, tin tưởng, hy vọng.

Nhiều người đi chùa không phải vì niềm tin tôn giáo thực sự mà nhiều khi chỉ vì sự vụ lợi cho bản thân. Người ta tìm đến chùa chiền không phải để học những điều răn của Phật, để làm theo những điều thiện, để sống nhân hậu…, mà là để cầu xin cho cá nhân mình, xin công danh sự nghiệp, xin được thoát nạn, xin tiền tài, sức khỏe, xin cả hạnh phúc…

Thế nên ngoài đời kia càng làm những điều bất chính, người ta lại càng đi chùa nhiều. Nhiều người đi hết chùa nọ đến đền kia, lễ to… để rồi khi trở về họ lại càng yên tâm tiếp tục làm những điều trái với lương tâm, với lẽ đời.

Vì thiếu hiểu biết và tâm lý đám đông họ đã biến chùa chiền thành nơi buôn bán, mặc cả, vật chất hóa đấng linh thiêng. Mặt khác cũng phải nói đến sự dễ dãi của các đền chùa, khi để mặc cho mọi người tự do cúng bái theo ý mình thậm chí trái với quan điểm của đạo Phật.

Không những thế, nhiều chùa còn tiếp tay cho tệ nạn này khi đặt các hòm công đức khắp nơi. Chẳng hề quá lời khi nói rằng, những hỗn độn của đời thường cũng lan đến cả chốn này.

Vào chùa mà ăn uống xô bồ, nói năng bừa bãi chẳng khác ngoài chợ, rồi thì trộm cắp, chen lấn, tranh cướp… . Khi người ta đến chùa với tâm thế như thế, liệu trong lòng có thực sự thanh thản? Thần thánh nào chịu chấp nhận những lễ vật như thế, những lời cầu xin như thế?

Minh Anh

Theo Đời sống
back to top