Đồ văn phòng như máy tính, điện thoại, máy in, hộp bút, tài liệu… thường bị bỏ quên, không vệ sinh thường xuyên. Đây chính là nguồn phát sinh ô nhiễm văn phòng phổ biến.
TS Trần Đình Bắc, một chuyên gia về an toàn vệ sinh lao động và chiếu sáng cho biết, Hiệp hội Chiếu sáng Việt Nam đã khuyến cáo, để đồ đạc quá lâu không vệ sinh sẽ gây nên bệnh văn phòng. Đây là bệnh sinh ra từ những nơi làm việc có chất lượng không khí kém, ở đó có nhiều nhân viên thường mắc phải các triệu chứng về hô hấp, thần kinh và ngoài da, chẳng hạn như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa mắt, đau họng, ho, khó thở, khô da, ngứa da.
Muốn cải thiện chất lượng môi trường văn phòng, bên cạnh các nguyên tắc chung như thường xuyên quét dọn, hút bụi, khử mùi, lọc không khí, thay các bóng đèn đủ sáng, cần xem xét các yếu tố khác liên quan đến toàn bộ kiến trúc của nơi làm việc như chống ẩm và nấm mốc cho tường, thảm lót sàn và trần nhà, đảm bảo hệ thống không khí hoạt động tốt và được bảo trì đúng thời hạn, thường xuyên làm vệ sinh các hệ thống điều hòa và đặt máy điều hòa ở những vị trí thích hợp để đảm bảo dòng không khí lưu thông đều khắp trong phòng. Những vị trí tưởng như không bao giờ phải lau dọn như tường, trần lại chính là các điểm dễ nảy sinh nấm mốc.
Nếu văn phòng nằm trong những tòa nhà đóng kín cả ngày thì nên tranh thủ thời gian giải lao đi ra ngoài hít thở không khí. Trên bàn làm việc hoặc ở các góc phòng có thể trồng một số loại cây văn phòng hút chất độc, tạo ra sự luân chuyển không khí tốt, sạch. Vào những ngày nhiệt độ thấp thì có thể mở cửa để đón không khí trong lành bên ngoài. Nên lau khô, sạch đồ đạc trong văn phòng nhất là trong những ngày mưa ẩm để không tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.