Can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác và tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ nước ngoài là những đặc trưng của các chiến dịch quân sự Mỹ, đặc biệt quan trọng trong những chiến lược đối với Iran.
Sở hữu một nguồn tài nguyên dầu mỏ giầu có, Iran trở thành quốc gia có vị thế địa chính trị quan trọng ở Trung Đông. Để thâm nhập thị trường châu Âu và phát triển hơn nữa công nghiệp khai thác xuất khẩu năng lượng, Tehran cần tuyến đường đến biển Địa Trung Hải, vì vậy Iran hợp tác chặt chẽ với nhà nước Syria trong mối quan hệ tôn giáo và ủng hộ chính quyền Damascus.
Sau nhiều cuộc chiến tranh, bằng sự hậu thuẫn các lực lượng “tử vì đạo”, Tehran khẳng định, ý kiến của Iran phải được xem xét trong bất kỳ vấn đề nào của khu vực Trung Đông. Iran chống lại sự gia tăng và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ đối với các nước Trung Đông. “Quốc gia Iran sẵn sàng biến mọi mối đe dọa đối với chủ quyền an ninh thành cơ hội cho Cách mạng Hồi giáo, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng” - Thiếu tướng Mohammad Bagheri, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Cộng hòa Hồi giáo Iran - tuyên bố.
Washington nhận ra rằng, xu hướng hợp nhất các quốc gia như Iran, Iraq, Syria, sau đó là các nước Địa Trung Hải có thể dẫn đến một lực lượng đối kháng nghiêm trọng đối với chiến lược "dân chủ hóa" Mỹ, những quốc gia này có tiềm lực kinh tế, đang thúc đẩy phát triển sức mạnh quân sự cần thiết. Trong cuộc chiến trang chống khủng bố, Damascus chính thức chấp nhận vị thế và ảnh hưởng của Iran, tiếp nhận sự viện trợ của Tehran, trong khi Mỹ hỗ trợ các nhóm đối lập ở Syria, quyết lật đổ chính quyền ông Bashar al-Assad và chia cắt đất nước Syria, kiểm soát 2 tuyến đường qua tỉnh Deir Ezzor và tỉnh Damascus.
Trong giai đoạn tiếp theo, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực từ những lệnh trừng phạt khác nhau lên Iran. Đồng thời Mỹ sẽ tiến hành một cuộc can thiệp, bao gồm cả can thiệp vũ trang với những lý do tự dựng lên.
Để tình hình Iran càng ngày càng khó khăn hơn nữa cho đến khi xuất hiện các hoạt động bạo loạn, biểu tình và khủng bố, trước mắt Mỹ tìm mọi cách ngăn chặn nguồn cung dầu của Iran cho Syria. Trước đây, phần lớn đường vận chuyển nhiên liệu được thực hiện dọc theo tuyến Vịnh Ba Tư - Biển Đỏ - Vịnh Suez - Syria. Cuối năm 2018, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Iran, cấm các quốc gia đồng minh trong khu vực cho phép tàu chở dầu Iran đi vào vùng lãnh hải của mình.
Nhưng Washington vẫn không thể ngăn chặn vận chuyền dầu Iran đến Syria, do phải buộc Iraq đóng cửa biên giới với Iran, điều mà Baghdad chắc chắn sẽ không thực hiện.
Mỹ, để thực hiện chính sách của mình, sử dụng phương thức tốt nhất là tiếp tục tiến công phá hoại trên lãnh thổ Syria bằng những lực lượng đối lập, nổi dậy do quân đội Mỹ và CIA huấn luyện, như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) phía bắc Syria và các nhóm Hồi giáo cực đoan thánh chiến thuộc tổ chức Quân đội Syria tự do (FSA) ở Al-Tanf.
Mục đích chính của những chiến dịch này một phần nhằm ngăn chặn tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Iran đến Syria, làm suy yếu khả năng Iran kiểm soát tuyến biên giới Syria trong Al Bukamal và vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho quân đội Syria.
Trước mắt, chiến trường có thể duy trì lợi ích chính của Washington nằm trong khu vực sa mạc giữa Deir ez-Zor và Palmyra. Đây là vùng hoạt động của lực lượng khủng bố IS, xuất phát từ khu vực thị trấn As – Tanf, đánh vào tuyến đường vận tải của quân đội Syria nhằm làm suy yếu khả năng phòng thủ và phát triển lực lượng nhằm vào thành phố biên giới Al – Bukamal, tạo điều kiện cho lực lượng Dân chủ Syria do các đơn vị dân quân người Kurd dẫn đầu đánh chiếm thành phố này. Ngày 07.06.2019, các nhóm IS tấn công các phương tiện vận tải và cơ giới của lực lượng quân tình nguyện Syria - Iran gần trạm bơm nước T-3 thuộc vùng Palmyra.
Căn cứ vào cường độ và hiệu quả phục kích của IS, tình báo quân đội Syria nhấn mạnh rằng, trận đánh của những kẻ khủng bố được phối hợp và lên kế hoạch rất chuyên nghiệp, có nghĩa là IS nắm được thông tin tình báo chất lượng cao về tình hình quân đội Syria trên vùng sa mạc miền nam Syria.
Như vậy, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria có ý nghĩa sống còn về lợi ích của Washington ở 2 nước Iran và Syria. Mỹ không muốn vì một chiếc RQ-4 Global Hawk mà phải rút quân về và thay đổi chiến lược ở khu vực này. Iran hoàn toàn có thể tấn công quân đội Mỹ ở bắc Syria và thị trấn As- Tanf để chống lại đòn trừng phạt của tổng thống Donald Trump. Xung đột có thể bùng phát thành chiến tranh và không có bên nào thắng.
Tuyên bố của tổng thống Mỹ không có nghĩa là các hoạt động quân sự sẽ bị đình chỉ. Mỹ chỉ đang tạo điều kiện và lựa chọn thời cơ. Cuộc tiến công về cơ bản phải làm suy sụp chính quyền Iran như Iraq và Syria, có nghĩa là một hành động quân sự dưới một chiêu bài giả tạo “dân chủ” nào đó nhằm làm cho Tehran sụp đổ, hoặc ít nhất cũng là nội chiến.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria đã ngăn chặn việc Mỹ tấn công các mục tiêu ở Iran để trả đũa. Rộng hơn, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria không nhằm chống khủng bố. Các hoạt động quân sự và chính trị của Mỹ tại Syria chỉ nhằm duy trì và phát triển các lực lượng Hồi giáo cực đoan chống phá Syria, làm suy yếu chính phủ ông Bashar al-Assad. Từ đó hướng tới việc bóp nghẹt Iran và giành quyền kiểm soát các quốc gia này. Chính vì vậy, một cuộc tấn công trả đũa sẽ không đúng thời điểm, nhưng không có nghĩa là Mỹ sẽ bỏ qua việc tấn công quân sự vào Iran. Tất cả sẽ diễn ra nhanh chóng khi có điều kiện tương tự như Iraq.
Đường bay của chiếc drone RQ-4 Global Hawk. Sơ đồ do phòng không Iran cung cấp |
Thời điểm chiếc Global Hawk bị bắn rơi. Video quân đội Mỹ