Vợ chồng tôi cưới nhau được 8 năm. Trong 8 năm ấy, chồng chỉ đi làm được đúng một năm. Khi tôi sinh con, là thời điểm khó khăn nhất về kinh tế, cũng là lúc anh nghỉ việc.
Mới đầu, tôi thông cảm, vì anh nói, anh không hợp với cơ quan đó. Nhưng rồi, anh chẳng có ý định nghiêm túc đi làm. Hết năm này tới năm khác, việc gì anh cũng chê. Ngày ngày, anh lên mạng, chơi game, chán lại đi tụ tập với bạn bè. Hoặc ngủ.
Kinh tế trong gia đình mình tôi lo, anh cũng chẳng có suy nghĩ gì. Có lẽ, anh ỷ vào thu nhập của tôi tốt nên vậy. Nhưng tôi không thể chịu được hình ảnh một người chồng ăn bám. Đã gần chục năm trôi qua, sự kiên nhẫn của tôi đã hết rồi.
Tôi đang có suy nghĩ về việc ly hôn. Nhưng phân vân, hai con tôi rất yêu bố. Và anh cũng không tệ với tôi. Chỉ là anh không đi làm. Và tôi thì không còn tình yêu với chồng vì chuyện này. Tôi nên xử trí thế nào?
Trần Hồng Hải (Bắc Giang)
Hồng Hải thân!
Đối với những người nghỉ việc lâu, thì khi bắt tay vào làm công việc mới hoặc đi xin việc sẽ có tâm lý ngại do nhàn lâu thành quen hoặc không bắt kịp được nhịp công việc hiện tại, kiến thức rơi rụng. Chồng bạn có thể một phần cũng vướng tâm lý này. Ngoài ra, còn do tính cách anh ấy. Có những người, kén cá chọn canh, làm công việc gì cũng không ưng ý. Vào cơ quan nào cũng thấy không phù hợp. Bởi không thích nghi được với môi trường, với sếp, với đồng nghiệp.
Bạn nên trò chuyện với chồng, tìm ra khó khăn của anh ấy thực chất là gì, xem bạn có thể giúp gì cho anh ấy hay không? Nếu anh ấy không thích đi làm “quân”, thì có thể đầu tư, cho anh ấy làm kinh doanh. Nhưng tất nhiên, cũng phải phù hợp nguyện vọng và khả năng của anh ấy.
Trong gia đình, nếu gánh nặng kinh tế chỉ dồn lên vai một người mà không có sự thỏa thuận, đồng tình thì sẽ gây những bất đồng. Không chỉ là chuyện tiền bạc mà còn ảnh hưởng tới cả tình cảm, tình yêu dành cho nhau như bạn nói.
Cũng không loại trừ khả năng anh ấy gặp vấn đề về tâm lý. Mong bạn sẽ tìm ra nguyên nhân và có giải pháp ổn thỏa, không đến mức phải ly hôn.