BS Truyện không phạm luật
Vụ việc BS Hoàng Công Truyện (HCT) bị phạt 5 triệu vì “nói xấu” Bộ trưởng Y tế trên facebook được dư luận quan tâm. Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm nhất là việc xử phạt BS Truyện có đúng theo luật pháp hay không. Quan điểm của ông, một luật sư về vụ việc này như thế nào?
Những nội dung mà BS HCT viết trên facebook cá nhân chỉ như những lời góp ý cho các cấp lãnh đạo và cơ quan công quyền. BS HCT cho rằng Bộ trưởng chưa hoàn thành nhiệm vụ và cần phải thực hiện đầy đủ những nội dung như BS góp ý, không thể xử phạt BS Truyện về hành vi này.
Vì sao lại không thể xử phạt BS Truyện, thưa ông?
Theo điều 122 Bộ luật hình sự hiện hành thì hành vi vu khống có những biểu hiện như sau: bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật… Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó.
Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh… Xét theo luật, thì hành vi của BS Truyện chưa đủ để cấu thành tội phạm.
Nhưng có thể hiểu, việc BS Truyện viết trên facebook “Mụ ni về nghỉ là vừa, để các giáo sư có khả năng chuyên môn Y lên thay và dẫn dắt ngành Y sang bước tiến mới” là sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đứng đầu ngành y không, thưa ông?
Theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, chỉ những hành vi “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” mới bị cấm. Trong vụ việc này, BS Truyện không đưa thông tin xuyên tạc, chỉ là thể hiện quan điểm cá nhân về thực tế của ngành y, nên cũng không phạm luật.
“Mèo cắp miếng thịt xôn xao cả làng”
Nếu BS Truyện không sai, thì chứng tỏ người xử BS Truyện đã sai? Bộ Y tế có chịu trách nhiệm về việc này?
Từ tháng 7, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Thừa Thiên – Huế (TTH) đã có quyết định xử phạt BS Truyện, Bộ Y tế không có ý kiến gì, mà chỉ có ý kiến sau khi câu chuyện đã rùm beng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy có thể hiểu rằng: nếu dư luận không lên tiếng thì cơ quan Bộ và cá nhân Bộ trưởng đồng ý hình thức kỷ luật trên.
Như vậy, liệu Bộ Y tế có “vô can”?
Cần có thêm thông tin về các hoạt động chỉ đạo của Bộ Y tế với cấp dưới mới biết được Bộ có vô can hay không. Tuy nhiên, trong Luật hình sự, tội vu khống ở mức độ thông thường (khoản 1 điều 122) thì người vu khống chỉ phạm tội khi người bị vu khống (Bộ trưởng) có yêu cầu xử lý. Văn phòng Bộ trưởng cũng không có quyền yêu cầu thay Bộ trưởng. Có thông tin cho rằng, vị đại diện Bộ Y tế nói: “lẽ ra nên thông tin lại cho Bộ Y tế trước khi xử phạt”, chứng tỏ cá nhân Bộ trưởng và cơ quan Bộ Y tế không yêu cầu xử lý. Vậy phải chăng việc xử phạt BS Truyện ở đây là “té nước theo mưa”, vội vàng xử lý để “lập công” với Bộ trưởng?
Theo phân tích của ông, thì về quy trình ở đây là sai?
Đúng thế. Mà chưa nói đến thẩm quyền và trình tự kỷ luật BS HCT, chỉ xét về mức phạt và hình thức kỷ luật hành chính làm tôi liên tưởng đến câu vè: “Hổ vồ con lợn không sao; Mèo cắp miếng thịt xôn xao cả làng”.
Ông có thể nói rõ liên tưởng đó không?
Ngành y hiện tại biết bao nhiêu những sự việc lớn cần được quan tâm hơn, đặc biệt là sự kiện đang “nóng” cần làm rõ trách nhiệm của ngành y đối với những sai phạm trong vụ việc nhập thuốc chữa ung thư của Công ty VN Pharma, chấn chỉnh tệ nạn phong bì, nạn cò khám bệnh trong các bệnh viện công… Dư luận nói rất nhiều, kể cả nghi ngờ việc trúng thầu thuận lợi của VN Pharma là nhờ mối quan hệ của “em chồng” với bà Bộ trưởng. Vậy nếu nói sai, sao không xử phạt những người “vu khống” đó?
Càng là lãnh đạo, càng cần tiếp thu
Đây không phải là lần đầu tiên một cá nhân bị phạt vì có hành vi “nói xấu” lãnh đạo trên facebook. Xét về thẩm quyền, thì việc xử phạt hành chính trong những vụ việc như thế này có đúng không?
Theo tôi, việc sử dụng quyền lực của hệ thống hành chính để trừng phạt công dân là biểu hiện của sự lạm quyền. Việc sử dụng quyền lực công như vậy là sai mục đích, không hướng đến phục vụ lợi ích công. Nếu có những bằng chứng bị gây thiệt hại, thì người bị hại có thể khởi kiện ra tòa dân sự theo đúng trình tự pháp luật, chứ không phải dùng quyền lực của hệ thống hành chính để xử phạt như thế này.
Ông cũng là một lãnh đạo, ông thấy việc tiếp thu những ý kiến trái chiều có khó không?
Tôi cho rằng, càng làm lãnh đạo cấp cao càng cần kiềm chế, tiếp thu những góp ý đúng, tránh dùng mệnh lệnh thô bạo, mang tính trả thù. Nó cũng phù hợp với quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, biết lắng nghe ý kiến của dân chúng ta đang hướng tới.
Trong vụ việc này, BS Truyện có thể kiện ngược lại người ra quyết định xử phạt mình không?
Quyết định của Bộ TT&TT rút phạt và xin lỗi đối với BS Truyện theo tôi là kịp thời. Việc có phạt ngược lại người ra quyết định sai cần căn cứ vào khiếu nại hành chính của người bị xử phạt, nghĩa là, BS HCT có khiếu nại và khởi kiện hay không! Nhưng quan điểm của tôi cho rằng, sau khi Sở TT&TT tỉnh TTH rút quyết định xử phạt thì các bên nên dừng câu chuyện tại đây vì đều đã có được bài học cho mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Loan (thực hiện)
Ngày 14/7/2017, facebook “hoàng công truyện”của BS Hoàng Công Truyện dẫn lại facebook Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đăng một dòng trạng thái: “Mụ ni về nghỉ là vừa, để các giáo sư có khả năng chuyên môn Y lên thay và dẫn dắt ngành Y sang bước tiến mới! Chỉ 1 việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho Chính phủ can thiệp mà làm Bộ trưởng, bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ ở tuyến cơ sở”. Sau vụ việc, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế đã ký văn bản gửi Sở Y tế tỉnh TTH yêu cầu Giám đốc Sở này phối hợp với Công an tỉnh khẩn trương kiểm tra và xác minh thông tin cá nhân của tài khoản facebook trên. Thông tin bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành Y tế… tạo dư luận xấu, giảm sút niềm tin của người dân với cá nhân Bộ trưởng – công văn nêu rõ. Thanh tra Sở TT&TT tỉnh TTH đã ra quyết định phạt đối với ông Hoàng Công Truyện số tiền 5 triệu đồng. Chiều tối ngày 22/10, đại diện Sở TT&TT tỉnh TTH cho biết cơ quan này vừa có cuộc họp và thống nhất rút quyết định xử phạt, sẽ xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.