Vẻ đẹp đình Trang Liệt.
Về Trang Liệt, phường Hạ Trang (TX. Từ Sơn – Bắc Ninh) mà thấy đường vắng không bóng người, cứ ngỡ đã lạc vào một vùng quê nào xa xôi lắm. Mãi khi đến phía cổng Bông, một trong bốn cổng cổ làng Trang Liệt mới thấy bóng dáng trẻ em nô đùa dưới tán cây đề cổ thụ 1000 năm tuổi.
Làng 700 năm tuổi
Ở xứ Kinh Bắc, có những ngôi làng được đánh giá vào hàng cổ xưa nhất nước ta. Một trong những lý do, bởi xưa kia nơi đây từng là kinh đô Giao Chỉ. Từ trước thời Thái thú Sĩ Nhiếp trị vì, những ngôi làng quanh chùa Dâu bây giờ đã được thành lập.
Một trong ba cổng làng còn tồn tại ở Trang Liệt.
Trang Liệt là một trong những ngôi làng như vậy ở Kinh Bắc. Thực ra, cho đến nay, không có một tài liệu chính thức nào xác định rõ thời gian lập làng Trang Liệt. Nhưng dựa vào những dấu tích sau những đợt khai quật, nhiều di chỉ phát lộ và người ta tạm kết luận làng Trang Liệt có từ hơn 700 năm trước.
Ông Nguyễn Hữu Xuất, người cao tuổi nhất làng, kể rằng, Trang Liệt có tên nôm là Kẻ Sặt hay Sặt Đồng, và có tên chữ là Tráng Liệt hoặc Tráng Bà Liệt. Sở dĩ gọi là Kẻ Sặt vì làng nằm cạnh rừng Sặt. Làng Trang Liệt còn được gọi là Sặt Đồng, vì ngày xưa làng có nghề lọc đồng, chì, thau thiếc và nghề thu mua đồ đồng nát.
Lý do nữa là do thế đất của làng khi khởi tạo tại khu đồng Mang, có hình công cụ làm nghề đồng, là cái đe và cái búa. Cho nên người xưa đã gọi làng này là Sặt Đồng. Hiện nay, tại di chỉ bãi con đồng Mang, khu mộ của họ Nguyễn Tiến có hình giống như cái đe, còn bãi dài đồng Mang bên ngoài lại có hình cái búa.
“Theo gia phả của một số dòng họ và qua tư liệu lịch sử thì làng Trang Liệt xuất hiện khá sớm, vào khoảng thời Tiền Lê. Ban đầu, làng ở khu đồng Mang, do hai gia đình thuộc dòng họ Phạm và họ Tống lập ra. Hai dòng họ này về sau không còn người nối dõi hoặc đã phiêu dạt đi nơi khác. Đến thời Lý, từ đồng Mang làng dời về cạnh rừng Sặt”, ông Xuất cho biết.
Con số 700 năm mà các nhà khoa học tạm kết luận không làm các cụ làng Trang Liệt thỏa mãn. Bởi vì, theo như lời ông Xuất thì cây đề phía cổng Bông đã hàng nghìn năm tuổi, vừa mới được công nhận là cây di sản. Khi lập làng là trồng cây, đào giếng và hiện nay cả hai “nhân chứng” ấy vẫn còn tồn tại.
Làng có 4 cổng
Kể ra, làng có nhiều cổng không phải là lạ. Người xưa thường phân chia những cổng ấy ra thành bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và gắn hướng ấy với tên cổng cho dễ nhớ.
Trước đây, Trang Liệt có đến 4 cổng làng cổ.
Ở Trang Liệt cũng vậy, nhưng tên bốn cổng làng lại được gắn với những sự tích hẳn hoi, và đó đều là những cổng cổ được đánh giá là đẹp nhất nhì xứ Kinh Bắc này. Đó là cổng Bông, Lé, Đá và Tây. Ba trong số đó vẫn còn khá nguyên vẹn, riêng cổng Lé đẹp nhất đã mất đi thời những năm cải cách ruộng đất.
Ông Nguyễn Văn Chất, người phụ trách nhà truyền thống làng Trang Liệt, cho biết: “Cổng Lé xưa có kiến trúc hai tầng. Tầng trên có cái chòi nhô hẳn ra để người làng canh gác. Những năm cải cách, do xe chở thóc không lọt qua được cánh cổng hẹp nên người ta đã phá đi”.
May thay vẫn còn giữ được ba bức cổng kia, nên dân làng coi đó như báu vật. Ở cổng Tây, phía trên có ba chữ nho “Xử chư dự”, nghĩa là “lấy mọi tiếng khen”. Ba chữ ấy đã đủ nói vẻ đẹp mĩ miều của cổng làng phía Tây làng Trang Liệt.
Phía trên cổng Đá lại có bốn chữ “Tiểu vãng đại lai”, nghĩa là “đi ít về nhiều”. Cái nghĩa này thật là khó hiểu, mãi đến lúc được ông Nguyễn Hữu Xuất giải thích thì mọi ý tứ mới được vỡ vạc: “Làng tôi ngày xưa chuyên nghề đồng nát, mà cụ thể là làng buôn bán đồng. Khi đi thì chẳng có gì, nhưng khi về thì bao giờ cũng mang theo hàng hóa phế phẩm. Cổng Đá khắc bốn chữ ấy là có nghĩa như vậy”.
Cổng Bông cũng có bốn chữ “Xuất nhập tương hữu”, tức “ra vào đều là bạn”. Ý nghĩa trên cổng Bông minh chứng cho tình hiếu khách, ưa kết giao, hướng ngoại của người dân Trang Liệt từ thời xa xưa.
Vẻ đẹp làng xưa
Mặc dù Trang Liệt nay đã lên phố, Hạ Trang cũng đã lên phường, nhưng cái hồn làng vẫn chẳng thể mất đi. Những ngôi nhà cao tầng san sát nhau kia cũng không che lấp nổi những quê mùa trăm năm vọng về.
Đi sâu vào từng con ngõ nhỏ ở Trang Liệt, thấy có nét hơi giống phố cổ Hà Nội. Giữa không gian im lìm, những con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng, những căn nhà gạch rơi rụng không trát vữa đã rêu phong phủ kín bóng thời gian, như làm khách phương xa nhớ đến quê nhà.
Ở Trang Liệt có hơn mười nhà thờ họ còn giữ được nguyên vẹn nét cổ.
Cảnh thôn dã yên bình ở Trang Liệt còn hằn in ở những bức cổng nhà nhỏ, hẹp và cũ kỹ. Cũng giống như ở làng cổ Cự Đà, những bức cổng này dù được chủ nhà vôi vữa tu sửa bao lần, nhưng hình như thứ gạch cũ cùng nếp xây dựng ngày xưa luôn làm cho người ta phải hoài cổ.
Điều đặc biệt mà Trang Liệt còn ở những nhà thờ họ được xây dựng từ mấy trăm năm trước. Ngôi làng có đến 8 tiến sĩ xuất thân được ghi danh trên bia đá Quốc Tử Giám và làm đến chức quan to như Thượng thư, Đốc học nên những nhà thờ họ cũng bề thế vô cùng.
Tuy không thể sánh với cung đài điện ngọc, nhưng từ cách chọn đất, kiến trúc xây dựng cho đến cách bài trí đều rất chuẩn mực. Cho đến nay, sau mấy trăm năm đèn dầu hương khói, dãi dầu sương sa… những nhà thờ họ Trang Liệt chẳng khác nào nhân chứng của làng. Dù có bao nhiêu biến thiên đi chăng nữa, những ngôi nhà thờ ấy vẫn chẳng đổi thay.
Ông Xuất bảo rằng, ngoài ngôi đình Trang Liệt thì những ngôi nhà thờ cổ kính kia luôn làm cho người làng, mỗi lần đi xa hay trở về đều như được an ủi. Làng luôn là nơi để gửi gắm nỗi niềm. Người vinh thân có thể ngửa mặt tạ phúc tổ tiên, kẻ tay trắng chắp tay cúi đầu mong tiên tổ phù hộ.
Ở Bắc Ninh, những nơi làng lên phố không thể giữ lại được hồn cốt cũ. Nhưng riêng Trang Liệt, ai muốn xóa bỏ cái cũ cũng là điều không thể. Tuy hương ước không có định chế tài, nhưng cái chất làng đã thấm sâu vào từng người con Trang Liệt, để họ cùng nhau gìn giữ những nét đẹp xưa cũ cha ông để lại.
“Có thể khẳng định những thứ cũ kỹ của Trang Liệt lại là những thứ quý giá của địa phương, hiếm nơi nào có được. Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã về đây để tìm hiểu và họ đều công nhận Trang Liệt là một trong những ngôi làng hiếm hoi còn giữ được những nét cổ xưa quý giá”.
— Ông Trần Khánh Uẩn, Chủ tịch UBND phường Hạ Trang —
Trần Hòa