Mẹ bị bệnh tuyến giáp trong thai kỳ, con có cần sàng lọc?

Ở hầu hết các nước phương Tây, sàng lọc tuyến giáp cho trẻ sơ sinh được làm thường quy, và mục đích chính là điều trị sớm thyroxine (T4) cho trẻ sơ sinh bị suy giáp bẩm sinh nguyên phát.

Hỏi: Em bị bệnh tuyến giáp khi mang thai, hiện đang rất phân vân không biết có nên sàng lọc tuyến giáp cho con không? Sàng lọc như thế nào?

Nguyễn Thị Tuyết (Hà Nội)

Mẹ bị bệnh tuyến giáp trong thai kỳ, con có cần sàng lọc? ảnh 1

Mẹ bị bệnh tuyến giáp trong thai kỳ, con có cần sàng lọc?

Trả lời: Bệnh tuyến giáp của mẹ (gồm cường giáp, chủ yếu là Basedow, và suy giáp, chủ yếu là viêm tuyến giáp Hashimoto) được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp cũng như bệnh tật lâu dài thai nhi và trẻ sơ sinh.

Trong bệnh Basedow, nhiễm độc giáp ở thai nhi và trẻ sơ sinh do globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI) đi qua nhau thai. Còn sự hiện diện của kháng thể ngăn chặn thụ thể hormone kích thích tuyến giáp (TBAb) có liên quan đến tình trạng suy giáp thoáng qua ở con.

Các thuốc kháng giáp như PTU và methimazole là những nguyên nhân phụ gây suy giáp thoáng qua ở con. Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto của mẹ có liên quan đến suy giáp thoáng qua hoặc cường giáp trạng ở trẻ sơ sinh do sự di chuyển của các tự kháng thể tuyến giáp.

Chứng suy giáp dưới lâm sàng ở mẹ đã được chứng minh là có liên quan đến các kết cục sản khoa bất lợi và suy giảm trí tuệ - thần kinh ở trẻ. Những quan sát này đã dẫn đến khuyến nghị duy trì giá trị TSH ở phụ nữ mang thai dưới 2,5 mU/L.

Ở hầu hết các nước phương Tây, sàng lọc tuyến giáp cho trẻ sơ sinh được làm thường quy, và mục đích chính là điều trị sớm thyroxine (T4) cho trẻ sơ sinh bị suy giáp bẩm sinh nguyên phát.

Trong thực hành lâm sàng, xét nghiệm chức năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh được thực hiện sau sinh 2-3 ngày hoặc 2 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên bên cạnh các nghiên cứu thấy sàng lọc ở trẻ sơ sinh có lợi ích, thì một số lại không thấy.

Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện HáEmak, Israel, thu thập hồi cứu từ các hồ sơ y tế của các bà mẹ được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp và con của họ (496 cặp mẹ-trẻ sơ sinh), trong thời gian từ năm 2016–2019.

Kết quả: Có 91,4% các bà mẹ bị suy giáp, trong đó 48,7% bị viêm giáp Hashimoto. Tỷ lệ bị cường giáp là 8,6%, trong đó 71,6% bị mắc bệnh Basedow.

Kết quả: Không có trẻ sơ sinh nào được chẩn đoán mắc suy giáp bẩm sinh. Hormon TSH >10 mIU/L ở 14,6% và >20 mUI/L ở 2,2% số trẻ; tất cả đều có FT4 trong giới hạn bình thường.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp phát hiện 4 trẻ mắc bệnh tuyến giáp, gồm 2 trẻ bị suy giáp bẩm sinh không liên quan đến bệnh tuyến giáp của mẹ, 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh gia đình thoáng qua và 1 trẻ mắc Basedow sơ sinh.

Như vậy, việc xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho tất cả trẻ sơ sinh có mẹ bị rối loạn chức năng tuyến giáp dường như là quá mạnh tay. Tuy nhiên, nếu đã có anh chị em ruột bị suy giáp bẩm sinh thì xét nghiệm chức năng tuyến giáp, ngoài sàng lọc tuyến giáp sơ sinh, được khuyến nghị.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
back to top